Tiến tới xây dựng Luật Thừa phát lại

17/09/2014
Tiến tới xây dựng Luật Thừa phát lại
Tiếp theo chuyến công tác tại TP.HCM, hôm qua (16/9), Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tới thăm và làm việc tại Văn phòng Thừa phát lại (VPTPL) quận 1, VPTPL quận Bình Thạnh và gặp gỡ tất cả các trưởng VPTPL đóng trên địa bàn TP.HCM. Tại đây, Bộ trưởng đã lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cũng như những thắng lợi trong quá trình thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL).

Các Văn phòng đã gặt hái thành công bước đầu

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng VPTPL quận 1 khẳng định với Bộ trưởng rằng, chủ trương triển khai thực hiện TPL là hoàn toàn đúng đắn. Đến nay, TPL đã tạo được uy tín, niềm tin của người dân, nhất là lập vi bằng và tống đạt văn bản. Tính đến ngày 31/7/2014, VPTPL quận 1 đã thực hiện tống đạt được gần 90 nghìn văn bản, lập được hơn 4,2 nghìn vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án được 53 vụ, việc theo hợp đồng. Về tổ chức thi hành án, trong 37 vụ, việc thì văn phòng (VP) tổ chức thi hành án xong 11, đình chỉ 2, trả đơn yêu cầu 8 trường hợp, còn 16 vụ, việc đang thực hiện. 

Theo bà Hạnh, bên cạnh những thuận lợi có được từ sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), đặc biệt là UBND TP.HCM, Sở Tư pháp và Cục THADS TP.HCM cũng như các sở, ban, ngành liên quan khác thì vẫn còn đó những tồn tại nhất định. Cụ thể, sau gần 4 năm, một số quy định trong lĩnh vực liên quan như tố tụng, thi hành án, bảo hiểm, ngân hàng... chưa đồng bộ với các quy định về tổ chức và hoạt động của TPL; số lượng thụ lý THADS còn quá ít so với số lượng bản án, quyết định của tòa xét xử hàng năm. Điều đáng nói là không ít người dân chưa biết đến thẩm quyền tổ chức thi hành án của VPTPL, hoặc còn e ngại, băn khoăn... 

Chính vì vậy, bà Hạnh kiến nghị Bộ Tư pháp, TANDTC, TAND TP.HCM và các quận, huyện nên đưa vào bản án, quyết định có nội dung: “Bản án, quyết định có thể được thi hành án tại cơ quan THADS hoặc VPTPL”. 

Rời VPTPL quận 1, Bộ trưởng tiếp tục ghé thăm và làm việc tại VPTPL quận Bình Thạnh. Tại đây, ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng VPTPL quận Bình Thạnh cho biết thêm: VP đã ký hợp đồng tống đạt cho 4 TAND gồm Bình Thạnh, quận 1, 2, 9 và Chi cục THADS của Bình Thạnh, quận 9 và quận 2. 

Theo đó, tính từ tháng 11/2010 đến nay, VP đã thực hiện tống đạt được gần 53 nghìn văn bản, với tổng số tiền thu được hơn 2,7 tỷ đồng. Về lập vi bằng, VP đã thực hiện 1.426 vi bằng, tổng số tiền thu được hơn 3,5 tỷ đồng. VP cũng đã tiến hành xác minh điều kiện thi hành án được 46 vụ, việc. Về tổ chức thi hành án, VPTPL Bình Thạnh nhận 54 vụ, đã thực hiện xong 14 vụ; trả đơn 13 vụ, với tổng giá trị thu hồi được gần 20 tỷ đồng. 

Vẫn còn nhiều khó khăn

Nói về khó khăn, ông Lê Mạnh Hùng cho biết: Trong thực tiễn công tác, ngân hàng và cơ quan thuế là những đơn vị bày tỏ sự không hợp tác với TPL trong việc phong tỏa tài khoản hoặc khấu trừ tiền trong tài khoản để thi hành án. Việc tính chi phí tống đạt văn bản giữa VPTPL Bình Thạnh với các đơn vị được phân công áp dụng theo Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/2/2014 về hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội chưa có văn bản triển khai cụ thể và chưa được thực hiện trên thực tế. 

Trưởng VPTPL quận Gò Vấp thì kiến nghị Bộ hỗ trợ nâng cao nghiệp vụ cho các TPL bằng việc mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các TPL.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, tuy TP.HCM không thành lập Ban Chỉ đạo nhưng nhận được sự quan tâm của chính quyền TP bằng các văn bản cụ thể nhằm chỉ đạo công tác phối hợp trong việc thực hiện thí điểm TPL. Chính vì vậy, công tác thí điểm bước đầu và đến nay đã đạt được những kết quả tốt. Cùng tham dự buổi làm việc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chia sẻ: “Điều quan trọng là làm sao để các cơ quan THADS, Tòa án cấp huyện, quận... phải quán triệt và hiểu rõ tổ chức hoạt động của VPTPL”. 

Phát biểu với các VPTPL, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Với tư cách là địa phương đi đầu cả nước thí điểm chế định TPL, các VPTPL của TP.HCM đang khẳng định sự thành công và ngày càng ổn định, phát triển. Đó cũng là những nỗ lực của các VPTPL vào sự thành công của quá trình thí điểm chế định TPL trên phạm vi cả nước”. 

Bộ trưởng lưu ý, triển khai thí điểm chế định TPL là một vấn đề lớn, mỗi TPL nói riêng và các VPTPL nói chung cần biết phải làm những gì để nghề TPL không những lớn mạnh mà còn mang sứ mệnh phục vụ tốt cho người dân. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Tổng cục THADS là phải cùng với các địa phương thí điểm TPL có những hiến kế để TPL được triển khai thực hiện tốt. Có như thế thì mới có thể ổn định hoạt động, tiến tới xây dựng Luật TPL. Bộ trưởng cho biết một khi Luật TPL ra đời thì những suy nghĩ, tư tưởng, quan niệm chưa đúng về TPL sẽ được khắc phục.