Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS

27/07/2015
Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2015 đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 489/QĐ-BTP ngày 17/3/2015, ngày 25/7/2015 Cục Công tác phía Nam (Cục CTPN) đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tổ chức “Toạ đàm trao đổi kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự” và “Hội nghị giao ban công tác Thi hành án dân sự cho các địa phương khu vực phía Nam” tại TP. Tân An, tỉnh Long An.

 

Tọa đàm đàm trao đổi kinh nghiệm trong công tác tham mưu, chỉ đạo phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự được tổ chức trong buổi sáng dưới sự đồng chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục CTPN; Đồng chí Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự; Đồng chí Hoàng Văn Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Long An; Đồng chí Trần Hoài Phú - Phó Cục trưởng Cục CTPN và Đồng chí Nguyễn Văn Gấu - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An.

Tham dự Tọa đàm có hơn 119 đại biểu là đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long (đại diện cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự Tỉnh); Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự của 25 địa phương trong khu vực phía Nam; Phòng Thi hành án Quân khu 7 và Quân khu 9 Bộ Quốc phòng; đại diện các Ban ngành, đoàn thể  cấp tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thị xã, một số Lãnh đạo xã, Tổ vận động thi hành án ở sơ sở của tỉnh Long An.

   

Tại Tọa đàm, sau phần phát biểu chào mừng và giới thiệu của đồng chí Hoàng Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An về tình hình kinh tế, xã hội của địa phương nói chung, những điểm nổi bật, khó khăn, tồn tại của công tác Thi hành án dân sự trong Tỉnh nói riêng, các đại biểu tham dự đã nghe báo cáo tóm tắt của Cục CTPN về hoạt động của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Báo cáo đã chỉ rõ, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự hai cấp các địa phương trong Khu vực luôn được quan tâm kiện toàn về nhân sự. Từ đó hoạt động của tổ chức này đã góp phần quan trọng vào kết quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua, tiêu biểu như: UBND TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu chủ động cấp kinh phí để chi trả phụ cấp kiêm nhiệm cho các thành viên Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự hai cấp; Lãnh đạo UBND Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực làm việc với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự giải quyết một số vụ việc khó khăn trên địa bàn tỉnh ngay từ đầu năm. Ngoài ra, hoạt động phối hợp giữa Ban Chỉ đạo với các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tại mỗi tỉnh, thành phố cũng có sự gắn kết mạnh mẽ, giúp công tác Thi hành án dân sự tiếp tục đạt được nhiều thành công.

Cũng tại Tọa đàm, các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Tây Ninh, Hậu Giang và Phú Yên đã trình bày 04 tham luận cùng 03 ý kiến phát biểu, trong đó nêu lên những cách làm hay, sáng tạo của Ban Chỉ đạo hai cấp và các cơ quan Thi hành án dân sự như: (i) Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu UBND về hoạt động phổ biến, giới thiệu, tuyên truyền, ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động Thi hành án; (ii) Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, tỉnh Long An có thông báo phân công cụ thể từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn. Hàng tuần, thành viên Ban Chỉ đạo dành một ngày xuống địa bàn để chỉ đạo vận động và giải quyết thi hành án dân sự. Vụ việc nào khó khăn, vướng mắc thì chỉ đạo trực tiếp giải quyết tại chỗ. Bên cạnh đó, hàng tháng UBND huyện họp mở rộng đều có báo cáo kết quả về công tác thi hành án dân sự, Chủ tịch UBND huyện sẽ chỉ đạo trực tiếp cho thủ trưởng các ngành liên quan để phối hợp giải quyết ngay kịp thời những vụ việc có khó khăn, vướng mắc. Tại cấp xã, thành lập Tổ giải quyết thi hành án dân sự và hàng tuần Tổ này sẽ phối hợp với Chấp hành viên lên lịch để làm việc và giải quyết trực tiếp với đương sự….

Mặc dù có nhiều điểm nổi bật nhưng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tại các địa phương trong khu vực phía Nam cũng gặp một số khó khăn liên quan đến kinh phí hoạt động và tính chuyên trách của các thành viên. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác thi hành án dân sự nói chung.

Tọa đàm cũng được nghe ý kiến chia sẽ của đồng chí Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự. Theo đó, công tác Thi hành án dân sự là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần có sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự 02 cấp, cơ quan Thi hành án dân sự và sự chỉ đạo quyết liệt của UBND cấp tỉnh, huyện; công tác tuyên truyền, vận động thi hành án cũng cần được đánh giá đúng vai trò và đẩy mạnh để mang lại những kết quả cao nhất.

 

   

Kết luận Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục CTPN đánh giá cao kết quả mà Ban chỉ đạo, cơ quan Thi hành án dân sự tại các địa phương trong khu vực phía Nam đã đạt được trong những tháng đầu năm 2015. Đồng thời, Đồng chí cũng đề nghị Lãnh đạo các cơ quan Thi hành án dân sự cần tích cực, chủ động với vai trò tham mưu cho Ban chỉ đạo, cấp ủy, UBND trong việc huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến đến cơ sở tham gia vào hoạt động của công tác thi hành án dân sự.

Chiều cùng ngày, Cục CTPN tiếp tục phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tổ chức Hội nghị giao ban công tác Thi hành án dân sự khu vực phía Nam với sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ 25 Cục Thi hành án dân sự tại khu vực phía Nam; Phòng Thi hành án Quân khu 7 và Quân khu 9 Bộ Quốc phòng.

Sau khi nghe ông Trần Hoài Phú - Phó Cục trưởng Cục CTPN thông qua báo cáo kết quả theo dõi công tác Thi hành án dân sự khu vực phía Nam trong 9 tháng đầu năm 2015; Đồng chí Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã thông tin và trao đổi một số vấn đề liên quan đến hoạt động ban hành các văn bản chỉ đạo công tác, vấn đề thiếu nhân sự trước tình hình số lượng việc và tài sản phải thi hành tăng.  

Tại Hội nghị, các địa phương đã trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn, vướng mắc cũng như kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác Thi hành án dân sự như: Án tín dụng, ngân hàng phức tạp, không thể tiến hành bán đấu giá; tài sản bán đấu giá nhiều lần không có người mua; hoạt động phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự với trại tạm giam, trại giam theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TTLT/BTP-BCA-BTC ngày 06/02/2013 về việc phối hợp thu tiền của phạm nhân trong trại giam tại một số cơ quan còn vướng mắc; các vụ việc phát sinh đột xuất khiến số lượng việc và giá trị phải thi hành tăng đáng kể, khiến áp lực đạt chỉ tiêu đối với một số cơ quan Thi hành án dân sự thêm nặng nề… 

Trên cơ sở ý kiến phát biểu của cơ quan các Thi hành án dân sự, đồng chí Mai Lương Khôi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã đề nghị Ban Tổ chức ghi nhận đầy đủ, chi tiết các ý kiến của địa phương. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm nghiên cứu thực hiện tự cân đối số lượng Chấp hành viên theo hướng điều động Chấp hành viên cấp huyện trong địa bàn quản lý để hạn chế tình trạng số lượng án trên mỗi chấp hành viên không đồng đều, từ đó sẽ giảm được áp lực về chỉ tiêu cần đạt được. Ngoài ra, khi có những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ phát sinh trong khi triển khai công tác, các địa phương cũng cần báo cáo kịp thời về Tổng cục Thi hành án dân sự để có hướng dẫn, chỉ đạo đúng quy trình, quy định pháp luật.

Kết thúc Hội nghị, đồng chí Trần Hoài Phú - Phó Cục trưởng Cục CTPN đã đánh giá cao những kết quả đạt được, ghi nhận những khó khăn của địa phương, đồng thời đề nghị các cơ quan Thi hành án dân sự cần tiếp tục bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2015, phấn đấu khắc phục trở ngại để đạt được những kết quả cao trong những tháng cuối của năm công tác; chú ý kịp thời báo cáo thỉnh thị, xin ý kiến về Tổng cục Thi hành án dân sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong triển khai công tác để được xem xét, chỉ đạo kịp thời./.

                                                                                                                                                          Mai Thị Thùy Dung