Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về Thừa phát lại

17/08/2015
Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về Thừa phát lại
Hôm nay – 17/8, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm về Thừa phát lại (TPL) để trao đổi, thảo luận và học tập kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về mô hình tổ chức, hoạt động của TPL và định hướng phát triển chế định TPL tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì tọa đàm. Tham dự buổi tọa đàm còn có: ông Patrick Safar và Jean Francois Richard – Phó Chủ tịch Hội đồng TPL Quốc gia Pháp; đại diện một số Bộ, Ban, ngành Trung ương có liên quan, đại diện một số Đoàn đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp và Thừa phát lại một số tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm TPL và đại diện lãnh đạo một số Cục Thi hành án dân sự địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020; Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/11/2012 của Quốc hội; Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”, và để chuẩn bị cho công tác tổng kết, báo cáo Quốc hội việc thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 36/2012/QH13, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “kinh nghiệm của cộng hòa Pháp; thực tiễn thí điểm và định hướng phát triển chế định TPL tại Việt Nam trong thời gian tới” để giới thiệu, trao đổi, thảo luận và học tập kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về mô hình tổ chức và hoạt động của TPL và sự phát triển của nghề TPL trên thế giới.

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết, nghề TPL là nghề mới tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa nghề này, tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra vấn đề nghiên cứu chế định TPL làm thí điểm, trên cơ sở đó mở rộng nghề TPL ở Việt Nam. Năm 2010, chế định TPL được thực hiện đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó đã nhân rộng ra 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thu được kết quả khả quan. Tới đây Bộ Tư pháp sẽ tổng kết và có báo cáo toàn diện cho Quốc hội về kết quả thực thí điểm TPL. Thứ trưởng khẳng định buổi tọa đàm hôm nay là rất quan trọng, trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ hoàn thiện báo cáo tổng kết về một số vấn đề lý luận và thực tiễn làm cơ sở để xây dựng Luật TPL.

Khẳng định tầm quan trọng của việc tổng kết thực hiện thí điểm TPL trong năm nay để định hướng phát triển chế định TPL tại Việt Nam, ông  Jean Francois Richard – Phó Chủ tịch Hội đồng TPL Quốc gia Pháp cho biết “tên gọi TPL ở Pháp đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, cách đây 10 ngày, theo Luật mới về TPL nó có tên gọi mới là TPL – Đấu giá viên. Chính phủ Pháp có 8 tháng để đưa nghề này đi vào thực tiễn”. Theo ông, Luật TPL sẽ thay đổi nghề TPL tại Pháp, Luật đã mở rộng lĩnh vực hoạt động của TPL, cũng như trao cho TPL quy trình đặc biệt về thu hồi nợ với khoản nợ nhỏ và quyền thực hiện giải quyết về phá sản đối với doanh nghiệp nhỏ. Ông Jean Francois Richard cũng cho biết, hiện nay ở Pháp có khoảng 2,200 Văn phòng TPL được phân bổ trên Lãnh thổ Pháp với 3,450 TPL, khi Luật mới đi vào thực tiễn, nước Pháp sẽ có 3,600 TPL – ĐGV/65 triệu dân. Luật này cũng làm thay đổi số lượng Văn phòng TPL, đối với những địa hạt kinh tế phát triển, Luật cho phép mở thêm Văn phòng TPL, tuy nhiên đây không phải là nghề có thể tự do mở rộng Văn phòng. Ông cho biết “mặc dù chúng tôi hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp, gửi định kỳ báo cáo tới Viện công tố và Bộ Tư pháp, nhưng chúng tôi vẫn được phép hành nghề tự do và không phải báo cáo tất cả mọi hoạt động của chúng tôi với bất kỳ một cấp trên nào cả…”. Các chuyên gia Pháp cũng chia sẻ thêm nhiều thông tin khác liên quan như mô hình tổ chức và hoạt động của TPL; địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ của TPL; mối quan hệ giữa TPL với hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự và những nội dung cơ bản của Luật TPL của Cộng hòa Pháp…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tình hình, kết quả thực hiện chế định TPL trong thời gian qua; một số tác động kinh tế - xã hội; một số định hướng phát triển chế định TPL tại Việt Nam trong thời gian tới cùng một số vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng Luật TPL.

Hoàng Vy Anh