Cán bộ công chức với lời dạy của Bác Hồ

19/05/2017
Cán bộ công chức với lời dạy của Bác Hồ
Nói về người cán bộ, công chức, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cung cách phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức. Bác dạy, người cán bộ công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ Nhân dân, vì dân mà làm việc. Lề lối làm việc của cán bộ, công chức được Bác nhắc nhở trong nhiều bài viết, lời nói, đặc biệt là trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc năm 1947, giữa lúc phải tập trung chuẩn bị chiến dịch Thu Đông, nhằm đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp. Cuốn sách gồm có 6 phần: 1. Phê bình và sửa chữa; 2. Mấy điều kinh nghiệm; 3. Tư cách và đạo đức cách mạng; 4. Vấn đề cán bộ; 5. Cách lãnh đạo; 6. Chống thói ba hoa. Cho đến nay, những chỉ dạy của Bác vẫn được coi là kim chỉ nam cho cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình và trong cách ứng xử với Nhân dân và trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bác Hồ viết: “phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm… Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người".
Như vậy, tức là nhìn vào việc làm để đánh giá, nhận xét phải trung thực, thẳng thắn, không thêm, không bớt. Khi đánh giá, phải đánh giá cả ưu điểm, khuyết điểm, để người được đánh giá thấy yếu mà khắc phục, thấy mạnh mà cố gắng. Nếu chỉ phê bình mà không nhìn nhận những gì cán bộ, công chức làm được, thì bản thân họ dễ sinh buồn phiền, chán nản, ít nhiều làm họ nhụt ý chí phấn đấu.
Bác còn dạy “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Đây là việc làm này phải thường xuyên, liên tục để bản thân có thể nhìn nhận được điểm yếu, điểm mạnh của mình, biết mình đang “đứng” ở đâu về chuyên môn, năng lực. Đánh giá trên thực tế, có một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự áp dụng lời dạy này như một cẩm nang để tự phấn đấu, không tự kiểm điểm, phê bình bản thân trước, mà chỉ đổ trách nhiệm và phê bình người khác, điều đó làm cán bộ, công chức không thể “trưởng thành” trong công việc.
Tổng kết thực tiễn trong hoạt động của cán bộ, đảng viên, Bác chỉ ra rằng, khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì cũng phải trả lời câu hỏi “Vì ai mà làm? Đối với ai phụ trách?". Cán bộ, công chức làm vì Nhân dân, do vậy phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Nhân dân có trình độ hiểu biết khác nhau, phải tìm đủ cách giải thích cho Nhân dân hiểu. Mọi việc làm phải hợp với trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Từ đó mà định ra cách làm việc, cách tổ chức. chứ không được “đứng trên” mà làm theo cách hạ lệnh, cách cưỡng bức. Bác cũng chỉ ra, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thì phải sâu sát quần chúng, tránh bệnh hình thức, xa rời nhân dân.
Từ thực tiễn, Bác đã đúc kết “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Tổ chức thực hiện công việc thành hay không đều phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ. Người nói: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", chính là quan điểm về con người với vai trò vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Chính vì vậy, đối với công việc, phải nghiên cứu, rút kinh nghiệm công việc đã làm một cách tường tận, gốc rễ; tỉ mỉ, cẩn thận, toàn diện trước khi thực hiện công tác mới.
Người cũng nêu lên phận sự của người cán bộ, đảng viên là phải trọng lợi ích của Đảng hơn hết, phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đảng viên và cán bộ phải có “đạo đức cách mạng" là Nhân, Nghĩa, Chí, Dũng, Liêm.
Người chỉ rõ bổn phận của người đảng viên là suốt đời tranh đấu cho dân tộc, cho Tổ quốc; đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết, lên trước hết; hết sức giữ kỷ luật và giữ bí mật của Đảng; kiên quyết thi hành những nghị quyết của Đảng; cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc; cố gắng học tập chính trị, quân sự, văn hóa. Phải gần gũi quần chúng, học hỏi quần chúng, cũng như phải lãnh đạo quần chúng.  
Bác cũng dạy cán bộ, công chức về cách nói, cách làm. Như đã nói ở trên, Người đã chỉ ra, làm việc gì cũng phải xác định “vì ai mà làm”. Theo đó, trong cách viết không nên dài dòng, rỗng tuếch, không có nội dung, nhưng cũng không dùng danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây để quần chúng không hiểu. Bác chỉ ra căn bệnh theo "sáo cũ", đó là làm việc thiếu chuẩn bị, nội dung mênh mông, không thiết thực, công thức máy móc, nói, viết những từ hoa mỹ, quần chúng không hiểu, không đem lại kết quả.
Cán bộ, công chức muốn Nhân dân hiểu, phải học cách nói của quần chúng, dùng những lời lẽ giản đơn, thiết thực, dễ hiểu. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình. Khi chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, thì chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận.
Trước khi đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên dặn lại một cách tâm huyết: Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Nói theo Bác, người cán bộ công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân vì dân mà làm các việc. Tư tưởng phục vụ nhân dân là tư tưởng cốt lõi trong đạo đức, nhân cách của Người.
Để nâng cao đạo đức, phẩm chất của người cán bộ, công chức, trong tình hình hiện nay, chúng ta cần chống các căn bệnh như: xa rời thực tiễn của đội ngũ cán bộ công chức, nhất là thái độ vô cảm, lạnh lùng thiếu trách nhiệm của người cán bộ công chức trước những yêu cầu của người dân; Bệnh quan liêu, hình thức, coi trọng thủ tục hơn hiệu quả cũng đang có nguy cơ lan rộng trong cán bộ công chức... Những lời dạy sâu sắc của Bác về đạo đức của người cán bộ công chức vẫn luôn là kim chỉ nam cho hành động của mỗi cán bộ, công chức sinh thời cũng như hiện tại.