50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân

26/04/2019
Trong Bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội phải không ngừng chăm lo nâng cao đời sống nhân dân. Đây là nỗi niềm trăn trở khôn nguôi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh mà vô cùng vĩ đại của Người
 
 
Bản Di chúc đọng lại một cách sâu sắc quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: tất cả vì dân
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò của quần chúng nhân dân là một nội dung rất quan trọng. Trong Di chúc, Người viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”[1]. Với Người, nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam khi được tập hợp, đoàn kết thành một khối vững chắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là người đầu tiên phát hiện ra sức mạnh vĩ đại của nhân dân, nhưng là người đầu tiên đánh giá một cách xác thực nhất vai trò của nhân dân trong phép biện chứng mác-xít. Người quan niệm “dân” là: bao gồm tất cả những người Việt Nam yêu nước, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, giàu nghèo, gái trai…, nghĩa là những "đồng bào" (cùng một bọc của bà Âu Cơ), những "con Rồng cháu Tiên", cốt lõi là công - nông - trí. Theo Người, mục đích của Đảng ta và nhân dân là một; cách mạng Việt Nam muốn thành công, phải có Đảng tập hợp, đoàn kết hết thảy những người yêu nước. Đây là quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả quá trình hoạt động cách mạng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam xác định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, đưa đất nước đi lên theo con đường cách mạng vô sản, đưa lại quyền lợi cho toàn thể nhân dân lao động, thậm chí cả một bộ phận giai cấp bóc lột. Chính vì thế, ĐCS Việt Nam không những tập hợp công nông mà còn lôi kéo tiểu tư sản, trí thức và trung nông về phía giai cấp vô sản; “lợi dụng” cả tầng lớp trung, tiểu địa chủ và tư sản dân tộc mà chưa rõ mặt phản cách mạng. Như vậy, biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò nhân dân là ở chỗ: Người đề cập vấn đề sức mạnh của dân trong ý thức giác ngộ chính trị. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở nước Việt Nam mới (từ tháng 9 năm 1945 đến nay), thì quyền lực của dân đứng ở vị trí tối thư­ợng trong cấu trúc hệ thống quyền lực của đất nư­ớc. Các bản Hiến pháp của nước ta đều khẳng định: tất cả mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; nhân dân lao động là người làm chủ, còn Đảng, Chính phủ cũng như cán bộ, đảng viên, công chức là công bộc, đầy tớ của nhân dân. Cho nên, mọi quyền hạn đều của dân; chính quyền từ cơ sở đến trung­ ương đều do dân cử ra. Điều này hoàn toàn phù hợp với cấu trúc xã hội Việt Nam hiện đại, mà ở đó, mọi hoạt động của hệ thống chính trị đều nhằm phục vụ lợi ích của dân. Đây là quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên suốt các thời kỳ cách mạng. Người thường nhắc nhở Đảng, Chính phủ: việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng cố gắng làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng phải hết sức tránh; phải làm cho dân có ăn, có mặc, được học hành; Đảng không có mục đích nào khác là vì lợi ích của nhân dân; nếu dân đói, dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi; Đảng và Chính phủ phải lo tương, cà, mắm, muối cho nhân dân, v.v. Trong những năm làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, Người luôn luôn ý thức được chức Chủ tịch của mình do đâu mà có và sử dụng quyền lực đó cho ích quốc lợi dân. Người căn dặn: người cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Trong buổi Lễ ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, ngày 03-3-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền, dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân… Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa (tác giả nhấn mạnh), làm tôi tớ trung thành của nhân dân”[2]. Với Người thì: “Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu… thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”[3]; “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”[4].
Suốt đời lo cho nước, cho dân, cuối đời, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[5]. Người lưu ý thực hiện những nhiệm vụ của thời hậu chiến, tức là sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi, đó là: “Đầu tiên là công việc đối với con người”[6]. Đây là những lời dặn dò thể hiện tình nhân ái bao la, chủ nghĩa nhân văn trong sáng, sự biểu cảm của tư duy người cách mạng suốt đời hết lòng, hết sức chăm lo đến đời sống của tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người thuộc vào loại dễ bị tổn thương. Người dặn rằng, đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Người còn căn dặn một cách cụ thể hơn nữa: đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ do thiếu sức lao động mà túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm thích hợp, quyết không để họ đói, rét. Vẫn mạch tư duy thấm đượm chủ nghĩa nhân văn mác-xít, Người nhắc nhở: những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân, thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho “các cháu ấy” đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ, công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc, vì Người cho rằng, đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi CNXH ở nước ta. Với phụ nữ, Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[7]. Còn đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v. thì Nhà nước vừa phải dùng giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn Đảng, Nhà nước về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân; củng cố quốc phòng, chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt, Người còn đề cập đến một khối cư dân đông đảo, một đội quân cùng với giai cấp công nhân và đội ngũ trí thức làm nên cốt lõi và chủ lực của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là nông dân. Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”[8]. Những công việc trên đây là: “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[9].
45 năm phấn đấu thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chăm lo nâng cao đời sống cho nhân dân
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự cố gắng của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, trong gần 30 năm qua, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam là một nước nông nghiệp. Vì thế, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho khoảng 90 triệu con người là điều mà Đảng, Nhà nước ta luôn phải nỗ lực. Đến nay, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên bảo đảm đủ lương thực, không những thế còn đứng vào những “cường quốc” xuất khẩu gạo trên thế giới; được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc đạt được nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đã trở thành tấm gương mà nhiều quốc gia trên thế giới đến học tập kinh nghiệm. Bên cạnh coi trọng tăng trưởng kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh sự phát triển bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, thực thi những chính sách xã hội, chăm lo sự phát triển con người. Ở Việt Nam, hầu như không gia đình nào là không có sự hy sinh mất mát. Thực hiện ý nguyện của Bác, việc xây dựng, thực hiện chính sách với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước được Đảng, Nhà nước và nhân dân hết sức quan tâm. Những việc làm như: phong tặng danh hiệu Nhà nước “Mẹ Việt Nam anh hùng”, xây dựng, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”…, trong những năm qua là sự tri ân của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tính mạng cho sự trường tồn, phát triển của dân tộc. Qua đó, không chỉ chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, mà còn góp phần giáo dục tinh thần yêu nước chân chính cho thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Đất nước năng động bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện Di chúc của Người: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay[12]. Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế đã đưa nước ta thoát khỏi nhóm các nước nghèo để bước vào nhóm các nước phát triển trung bình. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng lớn; nông thôn, nông nghiệp, nông dân là mặt trận mà cả hệ thống chính trị chăm lo phát triển, đặc biệt là việc xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần tích cực cải thiện đời sống cho nông dân. Ngoài phát triển kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội, nhất là  giáo dục, chăm lo sức khỏe cho con người được chú ý và có sự tiến bộ vượt bậc. Nhiều giá trị mới tích cực, tiến bộ trong những giai đoạn, thời kỳ cách mạng đã hình thành và phát huy tác dụng thúc đẩy đất nước phát triển. Sự phát triển của đất nước trong những năm qua vừa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vừa góp phần quan trọng vào việc nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh cho đất nước để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đáng chú ý là, sự tiến bộ không ngừng trong việc chăm lo nâng cao đời sống nhân dân không chỉ biểu hiện ở những con số thống kê hằng năm, mà còn biểu hiện ở ý thức chính trị của nhân dân. Đó là ý thức thường xuyên xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, là giá trị của chủ nghĩa yêu nước vốn là truyền thống cực kỳ tốt đẹp của cả dân tộc được thể hiện trước những biến cố của đất nước.
 
 
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 612.
2 - Sđd, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 50.
3 - Sđd, Tập 5, tr. 333.
4 - Sđd, Tập 10, tr. 63.
5, 6 - Sđd, Tập 15, tr. 612; 616.
7, 8, 9 - Sđd, Tập 15, tr. 617.
10, 11 - Sđd, Tập 4, tr. 64-65.
12 - Sđd, Tập 15, tr. 612.
13 - Sđd, Tập 5, tr. 289.