60 năm tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1958/2018)

11/11/2018


"Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc"
Cách đây 60 năm, tháng 12-1958, trước tình hình mới của cách mạng, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Ðạo đức cách mạng" in trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản). Bài báo quan trọng này được Nhà xuất bản Sự thật in thành sách và phát hành ngay sau đó.
Trong tác phẩm, đề cập tới những nội dung cơ bản và những chuẩn mực của đạo đức cách mạng, Bác chỉ rõ: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc” (1).
Đối với những ai từng trải qua năm tháng chiến tranh vô cùng gian khó, nguy hiểm, tác phẩm trên của Bác có giá trị chỉ dẫn và cổ vũ tinh thần vô giá. Và không chỉ viết (nói suông), Bác đã chứng minh bằng hành động, không chỉ trong lúc hoạt động cách mạng, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng mà còn trong cả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình.
Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình
Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm nhận sâu sắc nỗi đau của một dân tộc mất độc lập, người dân mất tự do. Với lòng yêu nước thương dân vô bờ bến, Bác đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước khi mới vừa tròn 21 tuổi.
    30 năm “nằm gai nếm mật” ở nước ngoài, gặp biết bao khó khăn, nguy hiểm nhưng Người luôn bền chí, quyết tâm vượt qua, để hướng tới một mục đích cao cả: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (2). Với quyết tâm đó, trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Người đã học hỏi được nhiều “tinh hoa và tiến bộ” từ các nước phương tây, góp phần to lớn, quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện công cuộc giải phóng  Nam, thống nhất đất nước sau này.
Sau khi trở về Tổ quốc, rồi trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đưa ra những quyết định đúng đắn trong những vấn đề then chốt liên quan đến sự an nguy của Tổ quốc như: hướng phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam vào con đường cách mạng vô sản; hợp nhất ba tổ chức Cộng sản để thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam; lựa chọn thời điểm, thời cơ chính xác, tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ, tận dụng sự ủng hộ của nhân dân thế giới, lãnh đạo nhân dân từng bước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…
Nhờ chủ chương đúng đắn, sáng suốt và những quyết sách kịp thời, sáng tạo đó của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã vượt qua được những thách thức hiểm nghèo, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mang lại nền độc lập tự do cho dân tộc.
Có thể thấy, suốt cả cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình. Dù khi khỏe mạnh hay khi ốm đau, ngay cả khi sắp ra đi về chốn cực lạc, Bác luôn một lòng hướng về Đảng, về nhân dân. Bác chính là một tấm gương về đạo đức cách mạng.
Gương mẫu trong mọi việc
Sinh thời Bác thường nhắc nhở: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên chán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” (3). Từ nhận thức đó, trong hoạt động cách mạng cũng như trong cuộc sống hàng ngày, Người luôn là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, tác phong, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
    Là lãnh tụ tối cao nhưng Bác luôn hòa mình với nhân dân. Về nông thôn, Bác mặc áo nâu sồng, quần xắn cao, tát nước với bà con. Đến thăm các đơn vị bộ đội, Bác không đi ngay vào hội trường mà vòng qua khu bếp ăn tập thể xem đồng bào, đồng chí ăn ở như thế nào; Ngày Tết, Bác thường đến thăm nhà những người lao động nghèo. Tết cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa Xuân, Tết Kỷ Dậu 1969, Bác về trồng cây trên đồi Vật Lại, Ba Vì (Hà Nội). Đến trưa Bác cùng mọi người dùng cơm nắm và ngả mình trên vạt cỏ ngủ ngon lành. Hầu như không có khoảng cách giữa một vị lãnh tụ với người dân nơi thôn cùng xóm vắng.
    Trong công việc như thế, trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy. Cả cuộc đời Bác đã sống vô cùng giản dị, ăn uống thanh đạm với cá kho, dưa, cà, mắm, muối; mặc thì vài bộ bà ba với đôi dép cao su. Lúc ở chiến khu, Người sống chung với cán bộ, nhân viên, cùng ăn ở, sinh hoạt; ở Phủ Chủ tịch, Người từ chối ở căn nhà của Toàn quyền Đông dương mà về ở trong ngôi nhà nhỏ của người thợ điện. Đến ngôi nhà sàn bác ở sau này cũng hết sức giải dị, đơn sơ…
    Là lãnh đạo, nhưng khi nói, khi viết, Người rất ít khi dùng từ “phải”, “cần”, mà thường nói “Bác mong”. Thư Trung thu năm 1946, mặc dù bận rộn công việc hệ trọng của đất nước, Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi các cháu: “Bác mong các cháu chăm ngoan/Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng”. Trung thu 1952, Bác lại viết: “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành”… Và những điều “Bác mong” ấy đã đi cùng dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ và công cuộc dựng xây đất nước.

Nỗ lực “mài ngọc”, “luyện vàng”
    Đúng như lời dạy của Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (4). Noi gương Bác, luôn coi trọng đạo đức cách mạng, nên trong chiến tranh, trước mọi thử thách, cám dỗ về vật chất, những người cộng sản kiên trung đã không ngã lòng, đã đứng vững, mang lại nền hòa bình cho dân tộc.
    Ngày nay, trong công cuộc dựng xây đất nước, “ngọc” vẫn luôn được “mài” và “vàng” vẫn luôn được “luyện”, các cán bộ, Đảng viên vẫn không ngừng nỗ lực cùng nhân dân xây dựng và phát triển đất nước. Nhờ đó, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn rất nhiều.
    Tuy vậy, hiện nay vẫn còn tồn tại nạn tham ô, tham nhũng, hối lộ, lãng phí, quan liêu, cửa quyền… cho thấy vẫn có những cán bộ, đảng viên sa sút về tư tưởng, đạo đức và tha hóa về lối sống. Thực trạng đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tích cực tự phê bình và phê bình; chống và bài trừ các hành vi mang tính chủ nghĩa cá nhân, đặc quyền, đặc lợi; giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân; rèn luyện tác phong quần chúng, gần dân, hiểu dân, tôn trọng nhân dân…
    Thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng sẽ làm tăng lòng tin của nhân dân vào Đảng và chính quyền, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, phát triển đất nước bền vững./.

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9, tr. 285
(2): Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 1, tr.94
 (3): Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 552
(4): Sđd, tập 9, tr. 293
 
Minh Duyên