Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại vẫn còn nguyên giá trị

05/12/2018
Cách đây 72 năm, ngày 19-12-1946, để bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi thiêng liêng của Người như một lời hịch của non sông đất nước cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Hơn bảy thập kỷ đã qua, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng đó vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị.
   Lời kêu gọi thiêng liêng

 Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp được sự tiếp tay của các nước đế quốc đồng minh trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta. Trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
 “Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào lúc 20 giờ ngày 19-12-1946, bằng những loạt đại bác từ pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch trong thành phố, quân và dân Thủ đô Hà Nội chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Ngày 20-12-1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sỹ”. Nhân dân Thủ đô không quản hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù.
Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp Bắc, Trung, Nam, từ Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương… đến Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết tâm hy sinh và niềm tin tất thắng
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ chí Minh là một tác phẩm mang tầm vóc chiến lược tức là hoạch định đường lối cho cuôc kháng chiến. Đó chính là cuộc kháng chiến toàn dân, huy động sức mạnh toàn dân và mục đích của kháng chiến cũng xác định rất rõ, là đấu tranh để giành độc lâp, thống nhất hoàn toàn cho dân tộc. Cho nên có thể coi đây là công trình có tính nền tảng để sau đó Đảng ta tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự
          “Hỡi đồng bào!
          Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Trong Lời kêu gọi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày quan điểm “chiến tranh toàn dân” một cách vô cùng giản dị và hào hùng. Có thể nói, nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở hai chữ “toàn dân”.
Chỉ thị này được coi như một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn dân là lực lượng vũ trang ba thứ quân. Tiếp theo Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến  là văn kiện thứ hai mang tính cương lĩnh quân sự về kháng chiến toàn dân. “Toàn dân” theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là toàn dân tộc.
          Bác có một lời kêu gọi dành riêng cho bộ đội, tự vệ, dân quân:
          “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
    Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.
          Kết thúc lời kêu gọi, Bác khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
          Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
          Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.

  Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại vẫn còn nguyên giá trị
    Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
    Và 30 năm sau, ta đã cắm lá cờ lên nóc dinh độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, đem lại độc lập thống nhất toàn vẹn cho đất nước.
    Hơn 70 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã trải qua nhiều sự kiện chính trị lớn và tiến những bước dài, tình thế đã có nhiều thay đổi, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay; ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong đó, bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
    Tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê Sơ... Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là một áng hùng văn bất hủ, chứa đựng những giá trị và tư tưởng mang tính thời đại. Những tư tưởng cơ bản đó cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong giai đoạn mới của cách mạng.
    Thời gian đã lùi xa, nhưng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày đó còn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.