Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

10/09/2024
Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)
Chiều 9/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy; các ủy viên Thường trực, ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các bộ, ngành có liên quan cùng đại diện Sở Tư pháp, Hội công chứng viên một số tỉnh, thành phố;…
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Ngay sau kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi khi tiếp thu, chỉnh lý đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 8/2024 và được tiếp thu, hoàn chỉnh trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến.
Tính đến thời điểm này, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có 79 điều, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 72 điều; giữ nguyên 06 điều; bổ sung 01 điều 36a; vì vậy, số lượng điều tăng lên 01 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, hội thảo nằm trong những chuỗi hoạt động của Ủy ban Pháp luật nhằm tiếp tục tham vấn ý kiến, phục vụ trực tiếp quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, đảm bảo dự thảo Luật đạt chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương báo cáo tại Hội thảo

Báo cáo tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương nêu rõ, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý đối với 05 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: Công chứng bản dịch; Nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên; Công chứng điện tử; Cơ sở dữ liệu công chứng; Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.
Bên cạnh đó, hiện còn 2 nhóm vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau: Thứ nhất, về các loại giao dịch phải công chứng, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.
Thứ hai, về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một số ý kiến đề nghị các phương án như sau: (1) Văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; (2) doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
 
Các vị đại biểu tham dự Hội thảo

Thảo luận tại hội thảo, đa số ý kiến tán thành với những nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Đồng thời, góp ý vào nhiều vấn đề cụ thể liên quan tới quy định về các loại giao dịch phải công chứng; công chứng điện tử; mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng; tập sự hành nghề công chứng;…
Liên quan đến quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng Công chứng, một số ý kiến đại biểu tán thành phương án 2 quy định các nội dung có liên quan đến văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân. Theo đại biểu, quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng. Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, qua đó đã giải quyết những bất cập của mô hình Doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một công chứng duy nhất. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định mô hình tổ chức đòi hỏi yêu cầu bổ sung đánh giá tác động chính sách của Chính phủ.
 
Đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đại biểu cho rằng, cần phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn trong hoạt động của mô hình văn phòng công chứng hợp danh hiện nay để có hướng khắc phục. Trong đó, vấn đề mấu chốt đặt ra là phải bảo đảm nguồn công chứng viên. Nhấn mạnh tính ổn định của loại hình tổ chức này, đại biểu đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng là công ty hợp danh. Bởi tính chất của dịch vụ công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ, tổ chức hành nghề công chứng phải chịu trách nhiệm lâu dài về hoạt động công chứng.
 
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Đối với quy định về các loại giao dịch phải công chứng, nhiều ý kiến tán thành giữ nguyên quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật như dự thảo Luật Chính phủ trình. Theo đó, không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng. Lý giải cho quan điểm này, các ý kiến cho rằng, tính chất của Luật Công chứng là luật hình thức và tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, không điều chỉnh loại giao dịch nào phải công chứng để tránh chồng lấn với luật nội dung và gây ra sự thiếu ổn định của Luật khi các luật nội dung thay dổi phạm vi giao dịch phải công chứng. Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch, đề nghị quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp quy định pháp luật hiện hành để xây dựng dữ liệu về các giao dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật và thường xuyên rà soát, cập nhật, công bố dữ liệu đảm bảo chính xác, đầy đủ.
 
Ông Vũ Giang Hậu  - Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc 

Ngoài ra, các ý kiến cũng tán thành quy định về công chứng điện tử, đồng thời lưu ý, cần bảo đảm các điều kiện an toàn, bảo mật của giao dịch; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc công chứng. Do công chứng điện tử là vấn đề mới, cũng cần cân nhắc về phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện… để bảo đảm tính ổn định và khả thi.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý phong phú, sâu sắc với nhiều phân tích từ thực tiễn của các đại biểu.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, tinh thần của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, huy động nguồn lực để xã hội hóa, phát triển lĩnh vực công chứng, xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng các nhu cầu của xã hội.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhấn mạnh, lần sửa đổi này cần kế thừa những quy định của Luật Công chứng hiện hành vẫn đang còn phù hợp, phát huy tốt; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, những gì địa phương đã làm tốt thì vẫn để địa phương làm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí tuân thủ.
Từ phân tích nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Nhóm nghiên cứu tổng hợp các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện những nội dung, lập luận về ưu điểm và hạn chế một cách đầy đủ, khách quan đối với từng phương án của từng vấn đề lớn; đồng thời, hoàn thiện xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan để có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.