Rà soát, hoàn thiện quy định về nghĩa vụ của công chứng viên

04/09/2024
Rà soát, hoàn thiện quy định về nghĩa vụ của công chứng viên
Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024). Liên quan tới quy định về nghĩa vụ của công chứng viên (CCV) gia nhập Hội CCV, dự thảo luật đề xuất chỉnh lý theo hướng, giữ quy định về nghĩa vụ của CCV trong việc gia nhập Hội CCV tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề; đồng thời bổ sung, làm rõ một số căn cứ tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong trường hợp CCV bị xóa tên khỏi danh sách hội viên Hội CCV hoặc bị khai trừ khỏi Hội CCV…
Bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của quy định về công chứng điện tử
Tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6 có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 70 điều; giữ nguyên 08 điều; bổ sung 01 điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 01 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội.

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6 thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
 
Công chứng viên có nghĩa vụ gia nhập Hội CCV và phải duy trì tư cách hội viên trong quá trình hành nghề
Liên quan đến quy định về nghĩa vụ của công chứng viên (CCV) gia nhập Hội CCV (Điều 16), dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: Giữ quy định về nghĩa vụ của CCV trong việc gia nhập Hội CCV tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó như dự thảo Luật do Chính phủ trình; đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH để bổ sung, làm rõ một số căn cứ tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong trường hợp CCV bị xóa tên khỏi danh sách hội viên Hội CCV (điểm c khoản 1 Điều 13) hoặc bị khai trừ khỏi Hội CCV, nếu vi phạm của CCV thuộc trường hợp miễn nhiệm quy định tại Điều 14 của Luật này thì Sở Tư pháp xem xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm CCV (điểm d khoản 1 Điều 13).
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 13 về căn cứ chấm dứt việc tạm đình chỉ hành nghề công chứng trước thời hạn đối với CCV trong trường hợp CCV gia nhập lại Hội CCV đối với trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 13. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội CCV trong hoạt động tự quản, giám sát hành nghề và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CCV.
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
 
Đồng tình với nội dung được tiếp thu, chỉnh lý, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc giữ quy định về nghĩa vụ của CCV trong việc gia nhập Hội CCV tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó như dự thảo Luật do Chính phủ trình là phù hợp.
Lý giải cho quan điểm này, đại biểu cho biết, công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, dịch vụ công chứng thuộc Danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, hoạt động công chứng đòi hỏi tính tự quản nghề nghiệp rất cao, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, phòng ngừa tranh chấp; CCV không chỉ là đối tượng của quản lý nhà nước mà còn phải chịu sự quản lý của tổ chức tự quản nghề nghiệp để tổ chức này giám sát CCV thực hiện các nguyên tắc hành nghề và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Đặc biệt, đây cũng là thông lệ của các nước tham gia Liên minh công chứng quốc tế đã được quy định rõ trong Nguyên tắc cơ bản của Liên minh.
Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm của CCV trong việc gia nhập Hội CCV đã được thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập được Hội CCV. Do đó, trong hoạt động hành nghề hoặc thực hiện nhiệm vụ với tư cách hội viên Hội CCV, nếu CCV có sai phạm đến mức bị khai trừ khỏi Hội CCV thì cần tiến hành tạm đình chỉ hành nghề công chứng đối với CCV, trường hợp vi phạm của CCV đến mức phải miễn nhiệm thì phải thực hiện thủ tục miễn nhiệm đối với CCV đó.
Cũng theo chia sẻ của đại biểu, qua khảo sát, lấy ý kiến đối tượng bị tác động, nhiều công chứng viên được hỏi đều bày tỏ quan điểm đồng tình với nghĩa vụ gia nhập Hội CCV.
Đảm bảo quy định thống nhất trách nhiệm, nghĩa vụ của CCV liên quan đến việc giữ bí mật nội dung công chứng

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
 
Ngoài ra, góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7; nghĩa vụ của công chứng viên khoản 2 Điều 16; nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng, khoản 11 Điều 34, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu đảm bảo tính thống nhất. Cụ thể:
Tại điểm a khoản 1 Điều 7 dự thảo luật quy định “nghiêm cấm công chứng viên thực hiện các hành vi sau đây: tiết lộ thông tin về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác sử dụng thông tin về nội dung công chứng để xâm hại quyền lợi và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức”. Theo quy định này, có thể hiểu công chứng viên có thể tiết lộ thông tin về nội dung công chứng trong hai trường hợp: được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Tiếp đó, điểm e khoản 2 Điều 16 dự thảo luật quy định “công chứng viên có các nghĩa vụ sau đây: giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng và các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo quy định này có thể hiểu công chứng viên có thể tiết lộ thông tin, tức là không cần giữ bí mật về nội dung công chứng trong hai trường hợp: được người yêu cầu công chứng và các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, đối với trường hợp thứ nhất, không chỉ có điều kiện được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản mà phải đáp ứng điều kiện các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản. Tương tự như vậy, đối với các tổ chức hành nghề công chứng điểm a khoản 2 Điều 7 dự thảo cũng quy định “nghiêm cấm tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi quy định tại điểm a khoản 1 điều này” như trên đã trích dẫn. Trong khi đó khoản 11 Điều 34 dự thảo luật quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng là “giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng và các cá nhân, tổ chức có liên quan đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác”.
Từ phân tích và lập luận nêu trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, nghiên cứu chỉnh sửa quy định đảm bảo thống nhất trách nhiệm, nghĩa vụ của công chứng viên cũng như tổ chức hành nghề công chứng liên quan đến việc giữ bí mật và có thể tiết lộ thông tin trong các trường hợp để đảm bảo tính thống nhất, không chỉ được người yêu cầu công chứng đồng ý mà phải là các cá nhân, tổ chức khác có liên quan đồng ý bằng văn bản.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 
 
Đối với quy định về vấn đề tạm đình chỉ hành nghề công chứng quy định tại Điều 13 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết: Dự thảo luật quy định thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng là từ 1 tháng đến 12 tháng, nếu hết thời hạn tạm đình chỉ mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn thì công chứng viên sẽ bị rơi vào trường hợp miễn nhiệm công chứng viên. Tuy nhiên, trong thực tiễn có trường hợp lý do tạm đình chỉ còn do nguyên nhân khách quan mà bản thân công chứng viên không thể khắc phục được. “Trường hợp công chứng viên bị tạm đình chỉ vì lý do truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự sau 12 tháng chưa bị đưa ra xét xử vẫn diễn ra trên thực tế. Do đó, việc quy định như trong dự thảo chưa thật sự hợp lý để đảm bảo quyền lợi của công chứng viên...”, đại biểu nêu dẫn chứng.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh trong trường hợp này sẽ hợp lý hơn nếu dự thảo quy định thời gian tạm đình chỉ là từ khi quyết định tạm đình chỉ có hiệu lực cho đến khi có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bản án đã có hiệu lực của tòa án tuyên không có tội. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thêm ở góc độ thực tiễn để đưa ra chỉnh sửa, bổ sung đảm bảo phù hợp./.
Lê Anh