Đề nghị giữ nguyên quy định về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng

14/08/2024
Đề nghị giữ nguyên quy định về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng
Chính phủ đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành, theo đó quy định mô hình tổ chức của văn phòng công chứng chỉ là công ty hợp danh nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức.
2 ý kiến về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng
Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, các vấn đề lớn của dự thảo Luật đã cơ bản được các cơ quan thống nhất, tiếp thu.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, có 2 vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau. Trong đó, về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng (VPCC), một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của VPCC chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, đáp ứng tốt hơn nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng là dịch vụ công nên yêu cầu quan trọng là phải bảo đảm tính liên tục của việc cung cấp dịch vụ.
Nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình VPCC là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng loại hình DNTN và công ty hợp danh được áp dụng đối với VPCC thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh băn khoăn, nếu tiếp thu chỉnh lý theo nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật thì có vướng mắc gì không? “Nhược điểm của phương án này như thế nào? Quy định này có tạo ra sự không thống nhất trong mô hình hoạt động của VPCC trong phạm vi cả nước hay không?”, Phó Chủ tịch QH đặt vấn đề và đề nghị nghiên cứu kỹ Luật Doanh nghiệp để phân tích cả mô hình VPCC được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và DNTN để báo cáo rõ hơn với QH.
Số lượng công chứng viên đáp ứng yêu cầu
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Luật Công chứng năm 2006 đã quy định 2 loại mô hình tổ chức của VPCC nhưng đến năm 2014 lại phải điều chỉnh chỉ còn 1 mô hình. Điều này xuất phát từ chủ thuyết dịch vụ công chứng là một dịch vụ công, lẽ ra Nhà nước làm toàn bộ vì dịch vụ công có bản chất là phải bảo đảm tính liên tục, tính bền vững và tính chịu trách nhiệm. “VPCC tư nhân chỉ có 1 người thì có các bất trắc, ví dụ một người chỉ cần ốm đau, chết hay “trái gió trở trời” và với hệ quả pháp lý của việc chứng nhận tài sản thì không đúng với bản chất của dịch vụ công là phải liên tục và trách nhiệm. Chúng ta đã thử 1 lần rồi nhưng thấy không ổn thì mới xin phép chỉnh lại vào năm 2014. Năm 2014, Chính phủ vẫn trình 2 phương án, QH quyết định là chỉ chọn 1 phương án chỉ có 1 loại hình”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho hay.
Vẫn theo Phó Thủ tướng, trước đây, đúng là chúng ta khan hiếm về công chứng viên (CCV), vào thời điểm năm 2014, chỉ có khoảng hơn 1.300 CCV với 600 tổ chức nghề công chứng; nhưng hiện nay, chúng ta có khoảng 3.400 CCV, 1.400 tổ chức hành nghề; số lượng như vậy thực tế đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Chính phủ đề nghị, về nội dung này, “tốt nhất chỉ đưa ra 1 phương án” như Chính phủ trình.
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định đề nghị phân tích, thuyết minh rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án quy định về mô hình tổ chức của VPCC, tiến tới nếu chọn được 1 phương án như Chính phủ trình là hợp lý. “Trên thực tế chúng ta đã có mô hình rồi, 8 năm thực hiện không được rồi. Hiệp hội Công chứng Việt Nam cũng nói rồi, ở khu vực đặc biệt khó khăn, đã có phòng công chứng”, Phó Chủ tịch QH nói, đồng thời đề nghị tập hợp đầy đủ các ý kiến khác để đại biểu QH tiến hành thảo luận, cho ý kiến.