Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ Công chứng viên (CCV), dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Quy định này cũng phù hợp với pháp luật các nước theo hệ thống công chứng Latinh.
Công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp, là loại hình dịch vụ công cơ bản do Nhà nước ủy nhiệm, CCV là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được bổ nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện. CCV phải có kiến thức pháp luật chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật thay đổi bổ sung các quy định pháp luật để đáp ứng yêu cầu của hoạt động công chứng góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch trong xã hội, nhất là giao dịch về bất động sản, phòng ngừa tranh chấp, khiếu kiện, hỗ trợ hoạt động xét xử; tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Khi đã xác định là một nghề thì người muốn tham gia hoạt động cần phải học nghề. Thống nhất quan điểm này, pháp luật các nước theo hệ thống công chứng La tinh đều quy định để trở thành công chứng viên phải tham gia khóa đào tạo nghề chuyên sâu. Việc đào tạo nghề công chứng trang bị cho người muốn trở thành công chứng viên những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Ở Pháp quy định thời gian khóa đào tạo này là 02 năm.
Ở nước ta, theo thống kê của cơ sở đào tạo nghề công chứng thì Chương trình bồi dưỡng nghề công chứng chỉ có 290 tiết thực học (35 tiết còn lại dành cho thi tốt nghiệp hoặc viết tiểu luận cuối khóa; khai giảng, bế giảng; kỳ thi phụ, nghỉ ôn thi…). Trong khi đó, Chương trình đào tạo nghề công chứng có 930 tiết thực học. Như vậy, theo Chương trình bồi dưỡng nghề công chứng có quá ít thời gian để trang bị cho người học kiến thức về đạo đức, quy tắc hành nghề và kỹ năng nghề nghiệp của CCV.
Ngoài ra, đối với các đối tượng được tham dự khóa bồi dưỡng nghề công chứng theo quy định của Luật Công chứng hiện hành như giáo sư, tiến sĩ…họ là những người có chuyên môn tốt, tuy nhiên chuyên môn là trong một lĩnh vực hoặc chuyên ngành nhất định chứ chưa có kỹ năng, nghiệp vụ công chứng. Do vậy quy định các đối tượng muốn hành nghề công chứng phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng là phù hợp.
Đặc biệt trong bối cảnh số lượng CCV đang phát triển ngày càng nhanh như hiện nay (tính đến hết ngày 31/10/2023, cả nước có 3.354 CCV, tăng hơn 02 lần so với thời điểm ban hành Luật Công chứng 2014) thì việc tập trung nâng cao chất lượng CCV thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo, tập sự, bổ nhiệm và quản lý quá trình hành nghề công chứng là nhiệm vụ cần được ưu tiên.
Từ những lý do trên, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định người muốn hành nghề công chứng đều phải tham dự khóa đào tạo nghề công chứng. Thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng trừ các đối tượng được giảm ½ thời gian đào tạo quy định tại khoản 3 Điều 9 của dự thảo Luật gồm:
Người đã có thời gian từ đủ 05 năm trở lên làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, chấp hành viên trung cấp, thẩm tra viên chính thi hành án dân sự, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, trợ giúp viên pháp lý hạng II, thanh tra viên chính ngành tư pháp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật;
Luật sư, thừa phát lại, đấu giá viên đã hành nghề từ đủ 05 năm trở lên;
Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;
Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án; kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; thẩm tra viên cao cấp thi hành án dân sự; chấp hành viên cao cấp thi hành án dân sự; trợ giúp viên pháp lý hạng I, thanh tra viên cao cấp ngành tư pháp; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
Quy định này nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng công chứng viên như Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đề ra đó là xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.