Công chứng điện tử hợp xu thế nhưng cần quy định chặt chẽ

09/09/2024
Công chứng điện tử hợp xu thế nhưng cần quy định chặt chẽ
Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Các nội dung liên quan đến công chứng điện tử, dữ liệu công chứng, tuổi hành nghề của công chứng viên... được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi số
Theo dự thảo Luật, công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên; công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận giao dịch bằng chữ ký số để tạo ra văn bản công chứng điện tử”.
Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công chứng điện tử, đảm bảo mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng, công chứng điện tử góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, đáp ứng yêu cầu phát triển và chuyển đổi số hiện nay.
Tuy nhiên, cần rà soát và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể bởi trong hoạt động công chứng, việc công chứng viên trực tiếp tiếp xúc với người yêu cầu công chứng là rất cần thiết để đánh giá được năng lực, hành vi và ý chí, nguyện vọng của người yêu cầu công chứng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao. Chính vì vậy, cần phải có sự đánh giá và thận trọng trong việc tổ chức thực hiện.
Theo đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh), một trong những vấn đề quan trọng nhất là dữ liệu để phục vụ cho công chứng điện tử. Trong thực tiễn, dữ liệu công chứng có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức. Các dữ liệu này đều là bí mật của cá nhân, tổ chức, Nhà nước phải đảm bảo giữ bí mật các thông tin.

Đại biểu Hà Phước Thắng (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Quốc hội
 
Mặt khác, theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 quy định "cơ sở dữ liệu là tập hợp các dữ liệu điện tử được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, chia sẻ và quản lý, cập nhật thông qua phương tiện điện tử".
Do đó, để đảm bảo chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện của Chính phủ về công chứng điện tử sau khi dự thảo Luật được ban hành, đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị bổ sung nội dung quy định xây dựng, quản lý công cụ phần mềm chuyên dụng để thực hiện việc công chứng điện tử, tương tự như việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng thuộc nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Tư pháp, không giao cho tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) đề nghị, cơ sở dữ liệu thông tin phải công khai, minh bạch để giúp cho hoạt động của các tổ chức khi hành nghề công chứng được thuận lợi, nhanh chóng. Trong đó, cần chú trọng tới tính liên kết của các cơ sở dữ liệu, tiến tới việc số hóa về cơ sở dữ liệu công chứng để khi công dân, tổ chức thực hiện các hoạt động công chứng bảo đảm tin tưởng tuyệt đối và coi đó như là một chứng cứ pháp lý.
Đề xuất độ tuổi bổ nhiệm công chứng viên không quá 65 tuổi
Còn theo đại biểu Bế Trung Anh (Đoàn tỉnh Trà Vinh), các nội dung trong dự thảo Luật đã tiếp cận được với công chúng số chứ không chỉ là công chứng điện tử. Về mặt công nghệ để đảm bảo cho chuyện này thì công chứng số sẽ là bước đi hoàn hảo cho sự tiếp nối giá trị mà Đề án 06 của Bộ Công an chủ trì. Việc liên kết giữa hệ thống công chứng số với các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai, tài sản sẽ đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong quá trình công chứng...

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Quốc hội
 
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, quy định tuổi bổ nhiệm của công chứng viên là không quá 70 tuổi và đương nhiên miễn nhiệm khi quá 70 tuổi như trong dự thảo Luật thực sự chưa phù hợp.
Do đó, nữ đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét nên quy định độ tuổi bổ nhiệm và độ tuổi miễn nhiệm cần có độ trễ trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo việc hành nghề của công chứng viên sau khi được bổ nhiệm, tránh lãng phí về vật chất và nguồn lực đào tạo, có thể đề xuất độ tuổi bổ nhiệm là không quá 65 tuổi.
Đại biểu Siu Hương (Đoàn tỉnh Gia Lai) cùng quan tâm đến độ tuổi hành nghề của công chứng viên. “Theo tôi, việc cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý đó là chất lượng của công chứng viên và việc công chứng của họ có vi phạm quy định của pháp luật hay không, như thế sẽ phù hợp hơn. Bản thân công chứng viên cũng phải chịu trách nhiệm về việc công chứng của mình”, đại biểu phân tích.
Dẫn quy định của Luật Người cao tuổi quy định người cao tuổi "được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khỏe nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò của người cao tuổi",đại biểu tỉnh Gia Lai đề nghị xem xét việc quy định tiêu chuẩn về độ tuổi của công chứng viên là không quá 70 tuổi.
Phương Thảo