Bộ Tư pháp tiếp tục xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ “mệnh lệnh hành chính” sang “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”

Tin tức

Bộ Tư pháp tiếp tục xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại phục vụ người dân và doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ “mệnh lệnh hành chính” sang “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”

Một số kết quả đáng chú ý về công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp trong 06 tháng đầu năm 2018 như sau:

Công tác cải cách hành chính: đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2017 tăng 02 bậc, xếp thứ 4/19 bộ, cơ quan ngang bộ được đánh giá.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[1] về việc yêu cầu “rà soát, đề xuất các phương án cải cách, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý: tối thiểu cắt giảm là 50% điều kiện kinh doanh”, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, rà soát và có các Báo cáo gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ[2]; đồng thời, tổ chức buổi làm việc với Văn phòng Chính phủ, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục rà soát, đề xuất các phương án cắt, giảm các điều kiện kinh doanh; các quy định cụ thể trong luật, pháp lệnh, nghị định cần sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để thực thi phương án cắt, giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Trên cơ sở đó, ngày 08/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1319/QĐ-BTP phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, trong đó, đề xuất cắt, giảm 49/94 điều kiện kinh doanh, chiếm tỷ lệ 52,13% thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp gồm: (i) hành nghề luật sư; (ii) hành nghề công chứng, (iii) hành nghề giám định tư pháp, (iv) hành nghề Thừa phát lại, (v) hành nghề đấu giá tài sản, (vi) hành nghề Quản tài viên và (v) hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại. Để thực thi phương án cắt, giảm, Bộ Tư pháp đề xuất ban hành 01 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Giám định tư pháp, Luật Trọng tài thương mại, Luật Phá sản; ban hành 01 Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 26/7/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
Thực hiện Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước (phê duyệt kèm theo Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ), Bộ Tư pháp đã thực hiện rà soát kỹ các quy định về báo cáo trong lĩnh vực Tư pháp, nghiên cứu các phương án đơn giản hóa. Trên cơ sở đó, ngày 14/6/2018, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1365/QĐ-BTP phê duyệt phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin: tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, ứng dụng công nghệ thông tin đã được Bộ Tư pháp chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể, phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực công tác trọng tâm của Bộ theo đúng kế hoạch đề ra từ đầu năm của Ngành Tư pháp (Pháp điển, Trợ giúp pháp lý, Thi hành án dân sự...); khẩn trương hoàn thiện Khung kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ đảm bảo đúng tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ; đồng thời, Bộ cũng đã tăng cường sử dụng văn bản điện tử, ứng dụng chữ ký số thay thế dần văn bản giấy trong cơ quan, đơn vị và tiếp tục chú trọng bảo đảm an toàn, an ninh cho Trung tâm dữ liệu điện tử của Bộ.
Việc cung cấp dịch vụ công trực truyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp tiếp tục phát huy hiệu quả. Bộ Tư pháp đã tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng dịch vụ công để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triển khai Luật Hộ tịch và Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”, tính đến đầu tháng 6/2018, Bộ Tư pháp đã mở rộng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch đến công chức tư pháp làm công tác hộ tịch tại 26 tỉnh/thành phố[3] và hỗ trợ thực hiện hàng triệu lượt thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch[4].
 
[1] Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Công văn số 174/TTg-KSTT ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.
[2] Báo cáo số 54/BC-BTP ngày 27/02/2018 gửi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo số 103/BC-BTP ngày 27/4/2018 gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát và đề xuất phương án cắt, giảm điều kiện kinh doanh của Bộ.
[3] Cao Bằng, Hà Nam, Hải Phòng, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Nam Định, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Khánh Hòa, Kon Tum, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Đắk Lắk.
[4].Tính đến đầu tháng 6/2018 có 1.786.525 trường hợp đăng ký khai sinh, trong đó có 1.173.070 trường hợp trẻ em là công dân Việt Nam dưới 14 tuổi đăng ký khai sinh lần đầu được cấp Số định danh cá nhân; 324.077 hồ sơ được đăng ký kết hôn; 666.969 lượt cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 253.147 trường hợp được đăng ký khai tử; 1.404 trường hợp được đăng ký giám hộ và 1.156 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi tại 26 tỉnh/thành phố.