Bộ Tư pháp tiếp tục xác định công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo
Theo đó, nổi lên một số kết quả đáng chú ý như sau:
Về sáng kiến mới trong triển khai công tác cải cách hành chính:
Từ năm 2017 và đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính quy định liên quan đến lý lịch tư pháp, yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực (kèm theo Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 09/02/2018) thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động – Thương binh và xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo đó, với phương án đưa ra tại Quyết định, dự kiến sẽ tiết kiệm chi phí khi thực hiện được hơn 519 tỷ đồng/năm.
Về cải cách thủ tục hành chính:
- Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp năm 2018 (kèm theo Quyết định số 2600/QĐ-BTP ngày 19/12/2017). Việc triển khai thực hiện tốt Kế hoạch nêu trên sẽ đảm bảo kịp thời phát hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, bảo đảm đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 04/07/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, các đơn vị phụ trách theo dõi, quản lý các lĩnh vực lý lịch tư pháp, nuôi con nuôi, thi hành án dân sự, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, chứng thực, quốc tịch, hộ tịch, trợ giúp pháp lý, công chứng, luật sư, trọng tài thương mại, tư vấn pháp luật, đấu giá tài sản, quản tài viên đang thực hiện việc nghiên cứu sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, qua đó giúp tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức.
- Đối với công tác kiểm soát quy định TTHC: Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thẩm định, góp ý về TTHC trong đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đánh giá tác động TTHC, công bố, nhập dữ liệu và đăng tải công khai hoặc không công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, thực hiện việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị theo đúng quy định hiện hành. Trong quý I/2018, Bộ đã nghiên cứu, tiến hành thẩm định đối với 71 TTHC tại 18 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (gồm 06 luật, 09 nghị định, 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 02 thông tư) do các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo; trong đó, Bộ đã đề nghị sửa đổi 57 thủ tục không hợp lý (chiếm tỷ lệ 80,28 % tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản). Ý kiến thẩm định TTHC của Bộ Tư pháp chính là cơ sở để các cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo hoàn thiện quy định TTHC trong đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về hiện đại hóa hành chính:
Quý I/2018, Bộ đã hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương đang khai thác, bước đầu đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (trong đó có Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử); bàn giao vai trò quản lý tài khoản người dùng cho các Sở Tư pháp đã tham gia triển khai Hệ thống và tiếp tục mở rộng việc áp dụng Hệ thống cho các tỉnh đáp ứng đủ điều kiện triển khai và đã đăng ký triển khai trong năm 2018, nâng tổng số địa phương trên toàn quốc đã và dự kiến triển khai lên 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cổng thông tin điện tử, các Trang thông tin điện tử của Bộ tiếp tục được duy trì, phát triển và nâng cấp, phát huy hiệu quả thiết thực, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng. Bộ đã xây dựng, bổ sung chuyên mục Tuổi trẻ Bộ Tư pháp và chuyên mục Giám định Tư pháp trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; một số chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử Thi hành án dân sự và chuyên mục Hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên trang thông tin Kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
Nhằm thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản, điều hành với Văn phòng Chính phủ theo đúng Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Bộ Tư pháp đã hoàn thiện Phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao có tích hợp cập nhật, theo dõi nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và đưa vào sử dụng từ tháng 01/2018; tổ chức tập huấn sử dụng Phần mềm này cho công chức thực hiện đầu mối theo dõi tại các đơn vị thuộc Bộ.
Đối với Hệ thống THADS, đã triển khai hỗ trợ trực tuyến về THADS; đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị truyền hình trực tuyến đa phương tiện đến cấp huyện nhằm tăng cường sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời trong công tác chỉ đạo THADS.
Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu triển khai xây dựng Kế hoạch chuyển đổi lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại Bộ cho phù hợp, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí và đúng tiến độ đề ra.