Khánh Hòa:Ban hành kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2017
Mục đích của kế hoạch là nhằm giúp các cơ quan, đơn vị đánh giá đúng về tình hình và kết quả triển khai CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, có các giải pháp cụ thể khắc phục hạn chế, yếu kém trong thực hiện công tác CCHC; đồng thời, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC, nâng cao và tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ CCHC.
Theo kế hoạch, nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành CCHC và kết quả thực hiện các nhiệm vụ CCHC trên 7 lĩnh vực. Cụ thể, trong công tác chỉ đạo, điều hành CCHC bao gồm các nội dung sau:
- Việc xây dựng và ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong năm
- Việc tổ chức, triển khai các kế hoạch đã ban hành, đồng thời rà soát báo cáo tiến độ việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch.
- Việc thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND về đẩy mạnh CCHC tỉnh giai đoạn 2017 -2020; các nội dung chỉ đạo CCHC của cấp ủy Đảng (cùng cấp), các Chỉ thị, Thông báo kết luận của UBND tỉnh tại các Hội nghị, các cuộc họp có liên quan…
- Việc triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao Chỉ số đánh giá đối với cấp tỉnh: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PARI), các Chỉ số đánh giá đối với cơ quan, đơn vị, địa phương: Chỉ số CCHC (PARI), Chỉ số mức độ hài lòng (SIPS)
- Nội dung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 và Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ.
- Các nội dung chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở năm 2017.
- Những sáng kiến trong triển khai công tác CCHC.
Việc kiểm tra sẽ được tiến hành theo hai hình thức: kiểm tra theo lịch thông báo trước và kiểm tra đột xuất. Đối với kiểm tra theo lịch thông báo trước sẽ tiến hành kiểm tra ít nhất 7 cơ quan thuộc khối các sở, ngành thuộc tỉnh; 4 cơ quan (bao gồm các đơn vị trực thuộc) thuộc khối cơ quan ngành dọc; 3 đơn vị thuộc khối đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; 4 đơn vị cấp huyện và 4 Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc khối huyện và 10 đơn vị cấp xã thuộc UBND cấp xã.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất một số sở, ngành, địa phương, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị bị tổ chức, công dân phản ảnh gây phiền hà.
Dự kiến việc kiểm tra theo lịch thông báo trước sẽ tiến hành theo 2 đợt, đợt 1 vào tháng 4 và đợt 2 vào tháng 7. Thời gian và đơn vị kiểm tra đột xuất sẽ do Trưởng đoàn quyết định.
Tại kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu: việc kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc, khách quan, chính xác, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành để không gây trở ngại đến hoạt động của cơ quan, đơn vị được kiểm tra. Kết quả kiểm tra phải đánh giá được hiện trạng, những kết quả đã đạt được, những mặt nổi bật cần phát huy và những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan từ cơ quan, đơn vị, từ đó rút ra những vấn đề chung thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của cơ quan cấp trên trực tiếp và đề xuất những giải pháp cụ thể giúp cơ quan, đơn vị phát huy những kết quả đạt được, giải quyết khó khăn vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế. Tập trung kiểm tra những cơ quan, đơn vị có Chỉ số hài lòng năm 2016 thấp, những đơn vị chậm cải thiện Chỉ số CCHC…