Cải cách thủ tục hành chính góp phần phòng, chống tham nhũng
Tham nhũng xuất hiện do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do các TTHC rườm rà, phức tạp, không rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho một số cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền, tài sản của cá nhân, tổ chức khi giải quyết TTHC; cộng thêm cơ chế kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động hiệu quả thấp, việc xử lý người vi phạm chưa nghiêm, dẫn đến tham nhũng vẫn đang tồn tại hàng ngày, hàng giờ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần phải thực hiện kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm các biện pháp kinh tế, biện pháp chính trị tư tưởng, biện pháp hành chính, biện pháp văn hóa xã hội giáo dục, biện pháp tổ chức nhà nước và cải cách hành chính (trong đó có cải cách TTHC) là một trong các biện pháp hành chính được ghi nhận trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Cụ thể Điều 56 của Luật quy định: “Cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng. Nhà nước thực hiện cải cách hành chính nhằm tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh việc phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước; công khai, đơn giản hoá và hoàn thiện thủ tục hành chính; quy định cụ thể trách nhiệm của từng chức danh trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Theo đó, cải cách TTHC là một trong các biện pháp góp phần phòng, chống tham nhũng, cụ thể được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, kiểm soát các quy định TTHC ngay từ khâu dự thảo: Theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015, Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC và Thông tư 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 hướng dẫn việc đánh giá tác động của TTHC và rà soát, đánh giá TTHC thì khi dự thảo văn bản QPPL có quy định về TTHC, cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực hiện việc đánh giá tác động về quy định TTHC từ khâu xây dựng chính sách và khâu xây dựng dự thảo văn bản QPPL. Khi thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động về quy định TTHC sẽ đảm bảo các TTHC được ban hành thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất, loại bỏ các TTHC rườm rà, phức tạp, không rõ ràng, vốn dĩ là điều kiện thuận lợi để người có chức vụ, quyền hạn có liên quan thực hiện các hành vi tham nhũng.
Thứ hai, công khai, minh bạch TTHC:
Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC và Thông tư 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014 của Bộ Tư pháp Hướng dẫn công bố, niêm yết TTHC và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC đã quy định rõ trách nhiệm, quy trình, thủ tục Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ công bố TTHC được quy định trong văn bản QPPL về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi ban hành Quyết định công bố, các cơ quan này phải đề nghị Bộ Tư pháp (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính) công khai TTHC bắt buộc trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và thực hiện việc niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp giải quyết TTHC hoặc công khai dưới các hình thức khác cho cá nhân, tổ chức biết để thực hiện. Việc công bố, công khai TTHC đảm bảo sự minh bạch, dân chủ, tạo thuận lợi cho người thực hiện, nâng cao sự hiểu biết của cá nhân, tổ chức về TTHC, đồng thời tạo cơ chế giám sát của người dân đối với cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện TTHC, làm hạn chế việc nhũng nhiễu, buộc cán bộ, công chức phải thực hiện đúng chức trách của mình. Sẽ không còn hiện tượng công chức giải quyết TTHC tự ý đặt thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu công dân đi lại nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết TTHC, vòi vĩnh khi TTHC được công khai, minh bạch, người dân nắm chắc quy định TTHC đang có nhu cầu giải quyết.
Thứ ba, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC:
Đơn vị pháp chế tại các Bộ, ngành và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Thủ trưởng đơn vị tổng hợp báo cáo về tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ, ngành và địa phương và đôn đốc giải quyết kịp thời, dứt điểm các TTHC theo quy định của pháp luật. Theo đó, cơ quan này là một trong các cơ quan thực hiện việc giám sát cơ quan nhà nước trong việc thực hiện TTHC, ngăn ngừa hành vi tham nhũng, đảm bảo quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, hiện nay Bộ Tư pháp đang Đề án thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền (Quyết định số 956/QĐ-BTP ngày 22 tháng 5 năm 2015). Hệ thống thông tin này được được thiết lập trên cơ sở tích hợp dữ liệu từ Hệ thống quản lý và đánh giá về kiểm soát TTHC, CSDLQG về TTHC, bảo đảm việc kết nối với các hệ thống giải quyết TTHC tại các Bộ, ngành, địa phươngvà vận hành trên nền tảng Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ. Hệ thống có các chức năng chính như: hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gửi, theo dõi tình hình, kết quả xử lý PAKN về quy định hành chính; theo dõi quá trình giải quyết TTHC của cán bộ, công chức CQNN các cấp; phân tích, thống kê báo cáo theo nhiều chỉ tiêu quản lý (số lượng, tần suất thực hiện các TTHC trong một năm của người dân, doanh nghiệp; báo cáo về công tác kiểm soát TTHC của các Bộ, ngành, địa phương…). Đây là một cơ chế kiểm soát quá trình thực hiện TTHC của các cơ quan nhà nước, tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, giảm tải các nhũng nhiễu, tiêu cực khi thực hiện công vụ.
Thứ tư, rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC, đề xuất sáng kiến cải cách TTHC:
Theo quy định của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC và Thông tư 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 hướng dẫn việc đánh giá tác động của TTHC và rà soát, đánh giá TTHC, hàng năm Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhằm cắt giảm TTHC rườm rà, không hợp lý, không hợp pháp và chi phí tuân thủ cao, từ đó đề xuất sáng kiến cải cách TTHC và kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ TTHC và các quy định có liên quan. Từ đó, các TTHC ngày càng hoàn thiện theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện, đa dạng hóa cách thức thực hiện để cá nhân, tổ chức lựa chọn, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC (hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thụ lý hồ sơ với người yêu cầu), qua đó cũng loại bỏ môi trường tồn tại của tham nhũng.
Thứ năm, tiếp nhận, xử lý phản án kiến nghị về quy định hành chính:
TheoNghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền phản ánh, kiến nghị những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức. Nghị định cũng quy định rất rõ trình tự, thủ tục để thực hiện quyền này của cá nhân, tổ chức. Theo đó, các cơ quan kiểm soát TTHC tại Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp nhận, phân loại, xử lý hoặc chuyển các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức. Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm (trong đó có hành vi tham nhũng), nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, giáo dục, răn đe và phòng, chống tội phạm (trong đó có tội phạm về tham nhũng).
Tóm lại, cải cách hành chính, trong đó cải cách TTHC là trọng tâm, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Cải cách TTHC nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của TTHC, từ đó tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận, tham gia giám sát và thực hiện TTHC; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từ đó, góp phần phòng, chống tham nhũng và lãng phí một cách hiệu quả, thiết thực.