Cục Kiểm soát thủ tục hành chính được thành lập theo Quyết định số 74/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 06/01/2011.Trải qua 05 năm thành lập và hoạt động, cùng với sự chung tay, sát cánh của đội ngũ những người làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Hoàn thiện khung pháp lý hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật với công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05/7/2013 về việc triển khai thực hiện nghị định số 48/2013/NĐ-CP và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/6/2015 về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt năm 2015 Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với nhiều điểm mới, trong đó có nội dung quy định về kiểm soát thủ tục hành chính. Đồng thời, tham mưu Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành 04 Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính và các Quyết định sửa đổi, bổ sung quy trình thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, Quy chế công bố niêm yết thủ tục hành chính và báo cáo tình hình thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ Tư pháp và quy chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ trong công tác theo dõi thi hành pháp luật. Các quy chế này đang được triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả tích cực.
Cục Kiểm soát thủ tục hành chính được bàn giao từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp
Làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và đôn đốc, kiểm tra thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính
Để phát huy kết quả, giai đoạn 2011-2015, Cục đã đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trên 40 văn bản chỉ đạo triển khai tại các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành trên 30 văn bản hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính. Hàng năm, tổ chức tập huấn cho đội ngũ những người làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương; biên soạn và phát hành kịp thời “Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính” đáp ứng yêu cầu mới của công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
Trong 5 năm, đã tiến hành 84 cuộc kiểm tra tại 21 Bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả cho thấy, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, làm tốt công tác này, góp phần vào kết quả chung của ngành, địa phương và cả nước. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đánh giá tác động 8.235 thủ tục hành chính quy định tại 1.941 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; ban hành 7.528 quyết định công bố thủ tục hành chính để công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết tại nơi giải quyết thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý hàng nghìn phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã tham gia ý kiến đối với 1.714 thủ tục hành chính quy định tại 238 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính, trong đó, kiến nghị không quy định 320 thủ tục hành chính, xem xét tính hợp pháp, hợp lý đối với 938 thủ tục hành chính (chiếm 73,4% số thủ tục hành chính quy định trong dự thảo); nghiên cứu, thẩm định 1.244 thủ tục hành chính tại 167 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, kiến nghị không quy định 222 thủ tục hành chính, xem xét tính hợp pháp, hợp lý đối với 772 thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý (chiếm 80% số thủ tục hành chính quy định tại dự thảo).
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính, Cục đã xây dựng, đưa vào thử nghiệm Hệ thống thông tin quản lý và đánh giá về công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Được xây dựng trên nền tảng nguồn mở phát triển Chính phủ điện tử, Hệ thống đã tin học hóa toàn bộ nghiệp vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính, hướng tới việc thực hiện “báo cáo không giấy”, đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ và thực hiện công bố, công khai trực tuyến…. Đây được coi là công cụ hữu hiệu phục vụ công tác kiểm soát thủ tục hành chính và sẵn sàng mở rộng kết nối với hệ thống chính phủ điện tử trong tương lai.
Chương trình về nguồn của tập thể cán bộ, công chức Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tại Đền thờ Bác Hồ (ATK Định Hóa, Thái Nguyên)
Chủ động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính
Cùng với việc hoàn thiện thể chế chung cho công tác kiểm soát thủ tục hành chính, Cục đã chủ động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, cụ thể: Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 phê duyệt theo Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 08/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án được triển khai hiệu quả trên thực tế bước đầu đã giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo tiền đề đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về dân cư từ thủ công sang hiện đại, góp phần vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Theo tính toán, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được vận hành sẽ tiết kiệm khoảng 1.643 tỷ đồng/năm. Đề án này là một trong các căn cứ quan trọng để Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.
Xây dựng, trình Chính phủ Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều nội dung Nghị quyết đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cụ thể hóa vào Luật đầu tư (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2015. Theo đó, cắt giảm mạnh mẽ số lượng thủ tục hành chính mà các cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện từ khi chuẩn bị đầu tư đến khi dự án đi vào vận hành và bảo đảm thực hiện thống nhất quy trình thủ tục hành chính trong dự án đầu tư có sử dụng đất. Như vậy, giảm 12/33 thủ tục với dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện quy trình phức tạp nhất; giảm 50% thời gian thực hiện thủ tục, chi phí tiết kiệm được cho nhà đầu tư ước tính khoảng hơn 1.241 tỷ đồng/năm.
Xây dựng, trình phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 04/8/2014). Theo đó, người dân được lựa chọn thực hiện riêng biệt từng thủ tục hành chính hoặc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính. Bộ Tư pháp cùng Bộ Công an, Bộ Y tế đã ký Thông tư liên tịch số 05/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/05/2015 hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính này. Tính toán chi phí tuân thủ cho thấy với chỉ ½ số trường hợp đăng ký khai sinh lần đầu mỗi năm thực hiện liên thông các thủ tục hành chính này giúp tiết kiệm 151,91 tỷ đồng/năm đầu tiên, các năm tiếp theo là 139,91 tỷ đồng.
Chung tay cải cách thủ tục hành chính
Từ những kết quả nêu trên thấy rằng, giai đoạn 2011-2015, công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính đã tạo sự lan tỏa, chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, công chức cũng như toàn xã hội. Nhiều sáng kiến cải cách thủ tục hành chính mang tính đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát kinh tế, xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đứng trước những cơ hội lớn và thách thức không nhỏ trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nhiệm vụ cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ những người làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính cũng vô cùng lớn lao. Để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, hành động, hơn lúc nào hết mỗi cá nhân, tổ chức cần đoàn kết, nỗ lực triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chương trình, đề án, chiến lược, kế hoạch và chính sách pháp luật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Chính phủ đã đề ra với những giải pháp cơ bản, gồm:
Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường sự tham gia phản biện của xã hội, tạo điều kiện để người dân tham gia, đóng góp ngay từ khi xây dựng chủ trương, chính sách, ban hành, tổ chức thực hiện, đánh giá, giám sát việc cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính.
Thứ tư, phát triển thêm một bước mới trong công tác tuyên truyền để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các cấp chính quyền, sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp về cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính.
Chung tay cải cách thủ tục hành chính để xây dựng nền hành chính văn minh, chuyên nghiệp, hiệu quả./.