Tỉnh Thái Nguyên triển khai Đề án tổng rà soát, đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính

Tin tức

Tỉnh Thái Nguyên triển khai Đề án tổng rà soát, đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính

Ngày 16/7/2015, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đề án tổng rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng rà soát, đơn giản hóa bộ TTHC chủ trì hội nghị.

Đề án tổng rà soát, đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên là đề án lớn, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai kịp thời Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, với mục tiêu cụ thể là: Rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành quy định về thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện những thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, từ đó xây dựng phương án đơn giản hóa, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với mục tiêu cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Xây dựng Bộ thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch.

Để triển khai Đề án, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban chỉ đạo với 22 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh do Đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, Sở Tư pháp là cơ quan thường trực, thành lập Tổ chuyên viên giúp việc Ban chỉ đạo với 27 chuyên viên, chuyên viên chính của các sở, ban, ngành có trình độ chuyên sâu trong các lĩnh vực.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tại Hội nghị cho thấy: hiện nay Bộ thủ tục hành chính của tỉnh quy định tại 94 văn bản khác nhau, điều này đã đặt ra nhiều khó khăn cho việc niêm yết công khai, tiếp cận, tra cứu của người dân, tổ chức cũng như công tác quản lý của các cơ quan nhà nước. Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực, sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành thống kê sơ bộ các bộ TTHC của tỉnh. Tổng số TTHC được rà soát là 1.304 TTHC, trong đó cấp tỉnh 978 thủ tục, cấp huyện 211 thủ tục, cấp xã 115 thủ tục. Số TTHC dựa trên các căn cứ pháp lý còn hiệu lực là 520 thủ tục. Số thủ tục có một hoặc nhiều căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực pháp lý là 784, số thủ tục hành chính này dự kiến sẽ tăng lên đáng kể sau khi hoàn thiện việc tổng rà soát.

Theo Kế hoạch do Ban chỉ đạo đề ra, sau khi thực hiện xong công tác tổng rà soát sẽ công khai bằng nhiều hình thức như: đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, đưa tin trên các phương tiện truyền thông, lấy phiếu khảo sát, điều tra… để lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân vào các bộ TTHC, dự kiến Ban chỉ đạo sẽ tổ chức trên 10 cuộc hội thảo lớn để khảo sát, đánh giá các TTHC nhằm đề xuất phương án đơn giản hóa tối đa các TTHC, cuối cùng là thực hiện phát hành và niêm yết công khai bộ TTHC hoàn thiện. Cùng với việc thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, Ban chỉ đạo cũng tích cực chỉ đạo các sở, ngành có liên quan thực hiện nghiêm túc Quyết định 1299/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Để các bộ TTHC phát hành sau đợt tổng rà soát và đơn giản hóa được công khai, minh bạch cũng như thuận tiện trong quản lý, tra cứu và thực hiện UBND tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng trang thông tin điện tử về thủ tục hành chính của tỉnh Thái Nguyên (dự kiến trên tên miền http://tthc.thainguyen.gov.vn).

Kết luận hội nghị, đồng chí Nhữ Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng rà soát, đơn giản hóa bộ TTHC nhấn mạnh: Thái Nguyên là tỉnh đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ, vì vậy công tác cải cách hành chính được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, trong đó cải cách TTHC có vai trò quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính. Chính vì vậy phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện Đề án hiệu quả, quyết tâm xây dựng bộ TTHC trên địa bàn tỉnh bảo thống nhất, đầy đủ, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch. Để làm được điều đó, Đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên giúp việc và các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã cần tăng cường trách nhiệm, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của công tác cải cách hành chính nói chung và việc thực hiện Đề án; Thực hiện rà soát đầy đủ, xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức cá nhân cũng như tổ chức các cuộc hội thảo để bàn kỹ các phương án đơn giản hóa từng TTHC; Tập trung kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản QPPL của HĐND, UBND có liên quan đến TTHC để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phải chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ mà Đề án đã đặt ra; Các cơ quan truyền thông xây dựng nội dung cho phù hợp để tăng cường tuyên truyền về công tác cải cách hành chính, cải cách TTHC nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân.

Việc tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện Đề án sẽ góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số  hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) trong thời gian tới.