Kết quả ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh từ sau kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIII đến nay

15/05/2014
Triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện phân công, xác định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai. 

Kết quả cho thấy, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 188/241 văn bản (122 nghị định, 10 quyết định, 51 thông tư, 05 thông tư liên tịch), đạt 78,01%; còn nợ 53/241 văn bản (17 nghị định, 03 quyết định, 28 thông tư, 05 thông tư liên tịch), chiếm 21,99%.

Nhìn chung trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã có cố gắng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; thực hiện kiểm tra, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. So với giai đoạn trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 67/2013/QH13, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thời gian qua bước đầu đã có sự chuyển biến. Chất lượng văn bản được nâng lên bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản; tình trạng văn bản có nội dung gây búc xúc dư luận đã giảm đáng kể. Trong 05 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đã ban hành được 41 văn bản, trung bình mỗi tháng ban hành được khoảng 08 văn bản, tăng 03 văn bản so với kỳ báo cáo trước([1]). Nếu so với Quý I/2013 thì trong Quý I/2014 số lượng văn bản quy định chi tiết được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng 06 văn bản (tương ứng với 85%)([2]).

Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc nhanh chóng đưa các quy định của luật, pháp lệnh đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà Đảng, Quốc hội đã đề ra như: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh; bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền, lợi ích của người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là tình trạng chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết dẫn đến một số trường hợp luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành, nhưng còn có quy định chưa được áp dụng do phải chờ văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra, còn có trường hợp văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nội dung không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, thiếu tính khả thi, gây phản ứng trong dư luận xã hội. Những điều này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của luật, pháp lệnh, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

_______________________________

([1]) Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 6, trung bình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành được 05 văn bản/tháng.

([2]) Trong Quý I/2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 13 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh so với Quý I/2013 chỉ ban hành được 7 văn bản.