Ngày Pháp luật và Tủ sách pháp luật ở Trường Sa

15/05/2014
Ngày Pháp luật và Tủ sách pháp luật ở Trường Sa
Đến với Trường Sa giữa những ngày dư luận trong nước và quốc tế sục sôi bất bình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc  khi  nước này ngang nhiên, bất chấp luật pháp quốc tế và thỏa thuận DOC, đặt trái phép giàn khoan 981 tại thềm lục địa nước ta trên biển Đông, chúng tôi càng thêm cảm phục các anh, những chiến sỹ Hải quân đang vững tay súng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Và càng cảm động hơn khi Ngày Pháp luật và Tủ sách pháp luật vẫn hiện hữu sinh động và sáng tạo giữa vất vả, hiểm nguy, khẳng định ý chí chủ quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật của quân, dân Trường Sa nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Tủ sách pháp luật trên Đảo Đá Lớn

Sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, ngày 4/5, tàu HQ 571 đã đưa Đoàn công tác số 9 tới Đảo Đá Lớn. Thật khó có thể diễn tả được cảm xúc của chúng tôi khi thấy đảo dần hiện ra từ phía xa xa. Tim chúng tôi như thắt lại rồi vỡ òa trong hạnh phúc  khi  nghe  hồi còi tàu vang lên báo hiệu sắp cập bến. Cánh phóng viên báo chí là lực lượng được ưu tiên đi chuyến xuồng số 2, chỉ sau xuồng chở quà tới đảo. Vốn ồn ào là thế mà sao khi nhìn thấy đảo, ai cũng rưng rưng khác lạ. Gió cũng như thiêng liêng hơn. Nắng cũng như thiêng liêng hơn.

Giữa mênh mông sóng nước Trường Sa mới cảm nhận hết  ân tình giữa đất liền và hải đảo. Thiếu úy Hoàng Văn Mạnh, quê ở Hải Phòng, đã ra đảo Đá Lớn B được một năm bật mí: “Biết tin có Đoàn ra thăm, hôm nay chúng em dậy từ 3 giờ sáng, ai cũng hồi hộp. Được gặp các Thủ trưởng và các anh chị, chúng em vui lắm”. Mà đâu phải chỉ có các cán bộ, chiến sỹ trên đảo dậy từ 3h sáng, nhiều người trên tàu HQ 571 cũng không sao ngủ được.

Và tôi thật bất ngờ khi Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân dẫn mọi người đến Tủ sách pháp luật được đặt ở vị trí trang trọng ngay Hội trường Đảo Đá Lớn B. Hàng trăm đầu sách pháp luật, từ Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự đến các luật chuyên ngành đều có cả. Ngay kế bên là các tủ sách văn học, sách tham khảo các loại được xếp ngay ngắn. Ở các Đảo Đá Lớn A, Đá Lớn C, Tủ sách pháp luật và Tủ sách thường xuyên cũng đồ sộ không kém.

Đặc biệt hơn là một chồng dày những lá thư gửi từ đất liền được các cán bộ, chiến sỹ Đảo Đá Lớn B trân trọng để ở nơi dễ nhìn thấy nhất. Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải tâm sự: “Có lần ra đảo, tôi đã ngồi đọc hết 400 lá thư của các cháu học sinh. Thư của các cháu thật hồn nhiên. Có cháu hỏi “Các chú bộ đội có đói không?”. Có cháu lại bảo: “Cháu cao 1m65 nên tiêu chuẩn làm quen của cháu là  chú nào đẹp trai, cao 1m72 trở lên”. Những dòng thư ấy luôn là những lời động viên vô giá đối với các cán bộ, chiến sỹ nơi đây.

 

Bây giờ ở các đảo trên quần đảo Trường Sa đều đã có tivi, điện thoại, việc liên lạc với đất liền cũng đã thuận tiện hơn rất nhiều nhưng  các cán bộ, chiến sỹ vẫn rất trân trọng những lá thư từ đất liền gửi tới và dành nhiều thời gian để đọc sách tích lũy thêm kiến thức. 

Trả lời cho sự ngạc nhiên của tôi trước sự phong phú của các đầu sách pháp luật, sách văn học, sách tham khảo trong tủ sách, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải cho biết: “Các đoàn công tác ra Trường Sa đều quan tâm tặng sách cho các cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Một phần sách trong số này là của các cán bộ, chiến sỹ đã hoàn thành nhiệm vụ để lại cho những người đi sau”. Và để đáp ứng đúng nhu cầu đọc sách của các cán bộ, chiến sỹ trên đảo, từ năm 2012, Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải cho phát phiếu đăng ký đọc sách tới các cán bộ, chiến sỹ, xem người đọc thích đọc những loại sách gì để cung cấp cho “trúng”. Nhờ đó, Tủ sách pháp luật và sách tham khảo trên Đảo Đá Lớn ngày càng nhiều thêm, phong phú thêm. Các cán bộ, chiến sỹ cũng say mê đọc hơn những tác phẩm yêu thích được đất liền gửi tới.

Có lẽ, câu chuyện về Tủ sách pháp luật trên Đảo Đá Lớn chỉ là một trong vô vàn những ấn tượng đẹp mà chúng tôi cảm nhận được trong chuyến công tác ra Trường Sa lần này. Mỗi ngọn rau, mỗi con ốc, mỗi ánh mắt, mỗi nụ cười nơi đây đều là những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong lòng những người đã một lần tới đảo.

Ngày Pháp luật trên đảo Côlin

Tới đảo Côlin, điều bất ngờ đối với một phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam như tôi là Ngày Pháp luật được các cán bộ, chiến sỹ tổ chức thật quy củ, đều đặn. Thượng úy Nguyễn Văn Ba, Chính trị viên Đảo Côlin cho biết: “Ngày Pháp luật được triển khai trên Đảo Côlin từ năm 2009 vào các ngày Thứ Năm, tuần thứ 2 hàng tháng. Đây là một nền nếp, chế độ, nằm trong chương trình giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo”. 

 

Vào Ngày Pháp luật, Chính trị viên tập trung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới, các quy định về kỷ luật quân đội đến toàn thể cán bộ, chiến sỹ.  Để bớt đơn điệu, ngoài việc quán triệt nội dung các văn bản mới, Chính trị viên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật “mini” để tất cả các cán bộ, chiến sỹ cùng tham gia. “Chúng tôi cho câu hỏi trước theo chủ đề để anh em tìm hiểu phương án trả lời rồi cùng đưa ra thảo luận. Người có phương án trả lời đúng nhất sẽ là người thắng cuộc, được biểu dương và tính vào tiêu chí thi đua nên anh em rất hào hứng”.

Đến với Trường Sa những ngày này, trong lòng mỗi người đều có những cảm xúc, tự hào khó tả. Tôi lại nhớ tới lời của Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải khi nói chuyện với các tân binh ở đảo Sơn Ca về ý nghĩa bộ quân phục chiến sỹ Hải quân Việt Nam: “Màu xanh là màu nước biển, màu trắng là những làn sóng bạc trên nền biển xanh. Tất cả sự gian lao, vất vả đó đặt trên ngực, trên vai và trên đôi tay các cháu. Chính vì thế, các cháu cần phấn đấu thi đua vượt qua những gian lao, vất vả đó”.

 

Vâng, Tổ quốc đã đặt lên ngực, lên vai, lên đôi tay các anh ngọn sóng bạc đầu. Chúc các anh luôn dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt các trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Ghi chép của Hồng Thúy