Hướng tới Đại hội đại biểu Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp lần thứ I, nhiệm kỳ 2014-2019

13/05/2014
Hội Luật gia Việt Nam được thành lập từ ngày 04/4/1955 theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với mục đích đoàn kết và tập hợp rộng rãi các luật gia, tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất năm 1955, Luật sư Phan Anh được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội. Đến nay, qua hơn 59 năm hình thành và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc tập hợp, đoàn kết các luật gia trong cả nước, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức luật gia trên thế giới, đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước.

Với chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước trên các lĩnh vực công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến giáo dục pháp luật, quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính…, hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp luôn gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đây cũng chính là những mục tiêu, tôn chỉ hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam và của các luật gia đang làm việc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp chính vì thế cũng luôn gắn liền và có mối quan hệ mật thiết với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; hoà giải ở cơ sở; tư vấn pháp luật; trợ giúp pháp lý; nghiên cứu khoa học pháp lý.

Trong những năm qua, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cũng đã tham gia tích cực vào Ban chấp hành của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam qua các thời kỳ, tiêu biểu như đồng chí Phan Hiền, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam từ năm 1990 đến năm 1993; đồng chí Phùng Văn Tửu, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam từ năm 1993-1997. Hiện nay, nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên của Bộ Tư pháp đang đảm nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Luật Gia Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, nhằm kiện toàn tổ chức và hoạt động của Chi Hội luật gia Bộ Tư pháp, Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp tổ chức Đại hội đại biểu Chi hội luật gia Bộ Tư pháp lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2014-2019. Đại hội sẽ diễn ra ngày 17 tháng 5 năm 2014. Với đặc thù của Bộ là đại đa số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ đều là những luật gia đang trực tiếp tham gia làm công tác pháp luật, Đại hội lần này hướng tới mục tiêu củng cố, kiện toàn tổ chức và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp nhằm phát huy vai trò của Chi hội là tổ chức tập hợp các luật gia của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp và tham gia tích cực, có hiệu quả vào hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.

Ban Tổ chức Đại hội trân trọng đề nghị các hội viên Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp cùng Thủ trưởng các đơn vị và toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ quan tâm, tham gia tích cực tại Đại hội và các hoạt động của Chi hội trong thời gian tới, phát huy vai trò, khả năng của các hội viên Chi hội, tiếp tục tạo sự gắn kết, lồng ghép giữa việc thực hiện nhiệm vụ của Chi hội với việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

                             Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2014

                             Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp