Cử tri kiến nghị: Quốc hội quan tâm hơn đến vấn đề việc làm

20/10/2009
Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập hợp được 1.687 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Trong đó nổi lên là các vấn đề về lao động, việc làm, về thực hiện các nhóm giải pháp kích cầu, về an toàn thực phẩm, giao thông đô thị và phòng chống tham nhũng.

Kích cầu: Nông dân khó tiếp cận

Các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ hiện đã và đang phát huy tác dụng, tuy nhiên, theo sự phản ánh của cử tri và nhân dân, do có nhiều quy định chưa thật sự phù hợp nên các hộ nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị. Nhu cầu của phần lớn các hộ nông dân muốn được hỗ trợ để có vốn lưu động sản suất, trong khi quy định phải trả hết nợ cũ mới được vay mới, do đó nhiều người không đủ điều kiện để được vay nguồn vốn ưu đãi này. Theo phản ánh của Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội các làng nghề Việt Nam thì chỉ có dưới 10% các hội viên, tổ chức thành viên của các tổ chức này có nhu cầu đã được vay từ các nguồn vốn kích cầu. 

Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan về hiệu quả của các gói kích cầu trước khi đưa ra các giải pháp mới; kịp thời chấn chỉnh việc cho vay không đúng đối tượng và sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn ưu đãi này. Chính phủ cần chỉ đạo ngành ngân hàng cải tiến hơn nữa các quy định nhằm đơn giản các thủ tục vay vốn nhất là đối với khu vực nông thôn. Mặt khác, kiến nghị Chính phủ kéo dài thời hạn cho vay ưu đãi đến hết năm 2010, đồng thời cần tiếp tục có những cơ chế khuyến khích phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp mới thực hiện các dự án có hiệu quả, tạo nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, khu vực các huyện nghèo nhất nước.

Cần cón những giải pháp đồng bộ về lao động

Suy thoái của kinh tế dẫn đến nhiều nhà máy, xí nghiệp phải sản xuất cầm chừng, có nơi phải ngừng sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh bị giảm sút, người lao động thiếu việc làm và mất việc làm gia tăng; lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc phải về nước trước thời hạn khá nhiều. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai, bão lũ gặp rất nhiều khó khăn. Việc thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf nhiều nơi chưa hợp lý; quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; việc đền bù, tái định cư chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đó người nông dân bị thu hồi đất phần lớn chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo nhưng rất hình thức, chất lượng tay nghề không cao nên rất khó kiếm được việc làm dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số được cử đi học theo chế độ cử tuyển về địa phương cũng không có việc làm.

Đông đảo cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có những giải pháp đồng bộ về lao động, việc làm để giải quyết những vấn đề nêu trên; cần quan tâm hơn nữa đến công tác hậu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất để thực sự nơi tái định cư phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cả về điều kiện sống và sản xuất; kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, sát hợp, quyết liệt hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 30a về hỗ trợ 62 huyện nghèo, Quyết định 167 về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo; đồng thời chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung sức giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 9 để ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Thu Hằng

Về công tác phòng ngừa tham nhũng cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết hơn nữa trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng; có chính sách bảo vệ, khen thưởng thích đáng, kịp thời đối với những công dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ nên trình bày báo cáo về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại các kỳ họp Quốc hội; kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án tham nhũng lớn và đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát.