Xây dựng Luật Thủ đô vì mục tiêu lâu dài của Hà Nội

19/10/2009
Xây dựng Luật Thủ đô vì mục tiêu lâu dài của Hà Nội
Cuối tuần qua, Ban Soạn thảo Dự án Luật Thủ đô đã có phiên họp lần thứ 2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Soạn thảo đều nhất trí cho rằng “việc xây dựng và nâng tầm từ Pháp lệnh Thủ đô lên thành Luật Thủ đô nhằm tạo lập cơ chế đặc thù để Thủ đô thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình là rất cần thiết”.

Đặc thù trong khuôn khổ Hiến pháp

 “Luật Thủ đô” hay “Luật về cơ chế đặc thù của Thủ đô” là những tên gọi được nhiều thành viên Ban Soạn thảo quan tâm thảo luận. Các thành viên Ban soạn thảo cũng dành nhiều thời gian phân tích hai phương án về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này.

Theo phương án 1, Luật Thủ đô quy định về cơ chế, chính sách chung trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô, bao gồm tất cả các lĩnh vực như hệ thống chính trị, quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và phát triển kinh tế; điều chỉnh theo quy hoạch phát triển Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Phương án 2 theo hướng Luật chỉ quy định về vị trí, cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô (do tính chất và đặc điểm của mình, Hà Nội được hưởng một số cơ chế đặc thù).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng cho rằng, nếu theo phương án 1 thì sẽ rất khó làm vì như vậy Luật Thủ đô sẽ giống như một đạo luật riêng cho Hà Nội, các luật khác không chi phối thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề cần xử lý. Thứ trưởng Trần Hữu Thắng nghiêng về phương án 2 nhưng cho rằng chỉ nên quy định “phân cấp cho Thủ đô “thêm” 1 số cơ chế đặc thù thôi”. Lý giải cho quan điểm của mình, ông Thắng cho biết: “Từ khi xây dựng Pháp lệnh Thủ đô chúng tôi đã thấy khó, vì quy định cụ thể, chi tiết quá thì không quy định được, nhưng quy định chung chung quá thì cũng không thực hiện được vì phải chờ hướng dẫn”.

Có quan điểm khác, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang lại cho rằng, nên chọn phương án 1 vì phương án này mới bao quát hết được những cơ chế, chính sách mà Hà Nội cần cho sự phát triển. Tuy nhiên, Thứ trưởng Cao Lại Quang khẳng định: “Dù theo phương án nào thì dự luật Thủ đô cũng phải đảm bảo nguyên tắc không trái Hiến pháp. Do đó, dự Luật cần có điều khoản quy định khi có các xung đột pháp luật thì ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhưng không trái Hiến pháp”.

Thoáng” đến đâu là vừa?

Ông Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp nhận xét: “Nói đến cơ chế đặc thù, ai cũng hiểu rằng sẽ có những quy định “vượt” luật, thậm chí “vượt” Hiến pháp. Bởi vậy, câu chuyện phân cấp quản lý, tạo hành lang “thoáng” hơn cho Thủ đô cũng như quy định “chặt” trong một số lĩnh vực của Thủ đô so với mặt bằng chung của nước trong khi vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp là một vấn đề lớn mà dự luật Thủ đô phải giải quyết”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, thành viên Ban Soạn thảo đề nghị cần có đánh giá sâu hơn về quá trình thực hiện Pháp lệnh Thủ đô trước khi chỉ đích danh cơ chế nào cần sửa đổi, bổ sung. Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp đặt câu hỏi: “Trong lĩnh vực tài chính, chỉ theo Pháp lệnh Thủ đô đã có rất nhiều cơ chế mở cho Hà Nội như cơ chế huy động các nguồn vốn, đầu tư trở lại... nhưng Hà Nội vẫn chưa thực hiện hết, vậy bây giờ cần “mở” tiếp là mở như thế nào?”. Về tên gọi dự Luật, Thứ trưởng Nghiệp cho rằng nếu chọn phương án Luật Thủ đô thì quá “tầm cỡ”, không quy định được cụ thể, muốn thực hiện lại phải chờ hướng dẫn, nhưng nếu chọn tên “Luật về một số cơ chế đặc thù của Thủ đô” thì riêng hàng chục cơ chế đặc thù trong lĩnh vực tài chính đã có thể đưa ngay vào luật và có thể thực hiện ngay được.

“Chốt” lại vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo cho rằng, với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội thì phương án 1 vẫn là ưu việt hơn cả. Tuy nhiên, cần phải  xác định cho rõ hơn mục đích xây dựng Luật và chỉ ra đâu là những vấn đề bức xúc nhất của Thủ đô mà nếu có cơ chế đặc thù thì sẽ quản lý tốt hơn. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Xây dựng Luật Thủ đô không phải là đòi quyền tự chủ cho Thủ đô Hà Nội, cũng không phải là để áp dụng cho toàn Thủ đô sau khi mở rộng địa giới hành chính. Trên thực tế, có những cái cần phải giao nhiều hơn cho Thủ đô, nhưng cũng có những cái Thủ đô cần “trả lại” cho Trung ương quản lý. Một số quy định cũng không nhất thiết phải áp dụng cho tất cả các quận, huyện mà có thể chỉ chọn 1 số quận nội thành áp dụng”.

Theo dự kiến, ngay trước khi Ban Soạn thảo họp lần thứ 3, Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô và cử các đoàn đi khảo sát kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này.

Hoàng Thư – Hồng Thúy

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “Thời điểm ban hành Luật Thủ đô sẽ có ý nghĩa lịch sử rất lớn”

Bên lề phiên họp, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi nhanh với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Soạn thảo xung quanh việc xây dựng Dự án Luật Thủ đô.

PV: Dự án Luật đưa ra không ít cơ chế riêng cho Hà Nội. Vậy, cần có giải pháp nào để tạo được sự đồng thuận của các bộ, ban ngành khi mà chỉ một đề xuất nâng mức phạt giao thông đã vô cùng ầm ĩ, thưa ông?

* Cơ sở lý luận và thực tế để Hà Nội và TP. HCM (chứ không riêng gì Hà Nội) kiến nghị một số quy định có tính đặc thù xung quanh vấn đề xử phạt thì tôi nghĩ là chính đáng. Chỉ có điều đúng là cũng khó đối với các Bộ vì luật thì áp dụng chung cho tất cả, chứ không riêng cho một ai hết. Vừa qua, phản ứng của chúng tôi là kiến nghị lại với Thủ tướng và Thủ tướng thấy cũng có lý nhưng không đủ thẩm quyền cho phép Hà Nội có những quy định riêng vượt luật. Nếu lần này có cơ chế cho chính quyền Thành phố được ban hành quy định những đặc thù về một số lĩnh vực quản lý, lúc bấy giờ các đề xuất mới chấp nhận được.

PV: Luật Thủ đô dự kiến sẽ ban hành vào kỳ họp Quốc hội đầu năm tới, như vậy có quá gấp rút về thời gian không, thưa ông?

* Đúng là thời gian quá gấp nhưng tôi cho rằng Luật Thủ đô có thể không giống các đạo luật khác, buộc phải tuân thủ chặt chẽ về quy trình, thủ tục. Điều đó xuất phát từ thực tiễn và cũng để đáp ứng yêu cầu phát triển không chỉ trong vài năm tới mà quan trọng nhất là vừa qua Quốc hội có Nghị quyết mở rộng Thủ đô Hà Nội với mục tiêu xác định nguồn lực và các điều kiện cần thiết để Hà Nội phát triển nhanh hơn, hiện đại hơn, to đẹp và đàng hoàng hơn. Nếu ban hành kịp vào lúc kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì đây là một việc làm rất có ý nghĩa lịch sử.

PV: Theo ông, trong số những cơ chế đang đề xuất, nếu được thông qua bao nhiêu phần trăm đã là thành công?

* Cái đó thì chưa lượng hoá được, nhưng cái quan trọng nhất là để Hà Nội có được đặc thù của mình và cũng không có nghĩa tất cả đều là đặc thù. Đã là đặc thù thì trong bình diện chung chỉ có một hoặc một vài điểm nhất định và chỉ những điểm đủ điều kiện khả thi thì mới đưa vào.

PV:  Vậy ông cho rằng đâu là điểm cần ưu tiên nhất cho Hà Nội?

* Cái quan trọng đối với Hà Nội là phải căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, khẳng định vị trí của Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia. Từ đó, kéo theo vấn đề an ninh, trật tự, đối ngoại. Đó là cái thứ nhất, cái thứ 2 phải là trung tâm lớn về văn hoá và một số lĩnh vực mà dự thảo Luật đang hướng đến như giáo dục, khoa học - công nghệ, kinh tế và giao lưu quốc tế nhằm thể hiện vị trí, vai trò của Thủ đô. Đặc biệt, Hà Nội phải là bộ mặt của cả nước, nói đến Hà Nội là nói đến đô thị văn hoá, con người văn hoá. Về vị trí kinh tế của Thủ đô, quan điểm của tôi Hà Nội chỉ cần là trung tâm lớn. Hiện, trong Luật cũng không đặt kinh tế nổi lên văn hoá, kinh tế chỉ là động lực cho sự phát triển thôi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thục Quyên (thực hiện)