Thảo luận về dự án Luật An toàn thực phẩm: Tăng cường kiểm tra để “quy” trách nhiệm

16/10/2009
Mặc dù lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến, tuy nhiên Dự án Luật An toàn thực phẩm (ATTP) được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của các Thường vụ trong ngày làm việc hôm nay (16/10).

Thực phẩm có nguy cơ cao: phải được cấp phép.

Để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Dự thảo đã dành một mục quy định về vấn đề này, theo đó điều kiện bắt buộc là phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa..

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu lý giải thêm, quy chuẩn là cái bắt buộc (ví dụ hàm lượng me-la-min trong sữa là bao nhiêu), còn tiêu chuẩn của ngành nào ngành ấy ban hành.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ - Môi trường của Quốc hội thì thực tiễn giám sát chính sách vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong giai đoạn 2004-2008 cho thấy, việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP còn bất cập, chỉ đạt 11,6%. Nếu tiếp tục làm như thời gian qua sẽ gây ắch tắc. Ủy ban đề nghị phải tách bạch rõ ràng, theo hướng đối với thực phẩm thông thường như lương thực, đường, bánh kẹo thì quản lý điều kiện sản xuất kinh doanh trên cơ sở tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đối với thực phẩm có nguy cơ cao như thịt, rau quả tươi sống, sữa thủy sản thì ngoài việc tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn thì cơ sở sản xuất kinh doanh này phải có giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp.

Đồng ý phải theo quy chuẩn, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên lại lưu ý “phải rà lại quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn để đảm bảo tính thống nhất. Tiêu chuẩn ngành nào ngành đó tự công bố nhưng cũng phải có điều kiện, trên một cái nền chung để biết sản phẩm đó là an toàn”

Làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm đã trở thành tiêu điểm trong nhiều kỳ chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tại các diễn đàn của Quốc hội. Vấn đề là ở chỗ có quá nhiều Bộ, ngành cùng tham gia vào công tác quản lý nhưng đến khi “có chuyện” lại khó quy trách nhiệm vì mọi thứ đều chung chung, thiếu cụ thể.

Khắc phục tình trạng nói trên, Điều 52 của Dự luật quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATTP, Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về ATTP và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực đối với sức khỏe nhân dân. Các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện việc quản lý nhà nước về ATTP theo sự phân công của Chính phủ…

Mặc dù đã quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành trong VSATTP, nhưng theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội thì các quy định trong Dự thảo đều quá chung chung. Bà Mai đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng ngành, của chính quyền địa phương, có phân công, phân nhiệm, phối hợp cụ thể. “nếu không luật sẽ khó khả thi”, bà Mai khẳng định.

Nhằm siết chặt quản lý với thức ăn đường phố, Dự luật cũng đã quy định về điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố. Tuy nhiên, theo Uỷ ban KHCNMT thì dự thảo vẫn còn thiếu những quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc ban hành quy định quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Chủ nhiệm UBKHCNMT Đặng Vũ Minh bày tỏ, do đặc thù phát triển từ một nước nông nghiệp, sản xuất chế biến thủ công, quy mô hộ gia đình nên các cơ sở chế biến thức ăn đường phố khá phổ biến, đa số không đảm bảo ATTP. Vì vậy các quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này là rất cần thiết.

Thanh tra chuyên ngành: có nên quy định?

Thời gian qua, hoạt động thanh tra trong lĩnh vực ATTP còn kém hiệu quả, thiếu và yếu. Thanh tra chuyên ngành VSATTP chủ yếu do thanh tra y tế, thanh tra thú y, bảo vệ thực vật kiêm nhiệm. Vì vậy, theo Ủy ban KHCNMT cần bổ sung quy định về tổ chức thanh tra chuyên ngành VSATTP từ TW đến địa phương.

Tuy nhiên, ông Trần Thế Vượng, trưởng Ban dân nguyện Quốc hội và nhiều thường vụ khác lại tỏ rõ băn khoăn. Luật nào cũng đề cập đến thanh tra chuyên ngành trong khi đó Luật Thanh tra đã quy định rõ rồi. Ông Vượng đề nghị cần phải có báo cáo về thực thi Luật Thanh tra. “Nếu chưa đi vào đời sống thì phải có phương án sửa đổi, chứ không chuyện này sẽ không có hồi kết”, ông Vượng nói.

Thu Hằng

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh: Đề nghị lùi ba luật

Tại phiên họp, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị bổ sung Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, cũng đề nghị lùi thời hạn trình 3 dự án Luật biển Việt Nam, Luật Cơ yếu, Luật Tiếp cận thông tin. Ba luật này chưa trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2009. Phần lớn các thường vụ đồng ý với phương án nói trên.