Khai mạc Đại hội lần thứ X, Hiệp hội Luật các nước ASEAN: Hợp tác thực hiện Hiến chương ASEAN

16/10/2009
Khai mạc Đại hội lần thứ X, Hiệp hội Luật các nước ASEAN: Hợp tác thực hiện Hiến chương ASEAN
Hôm qua (ngày 15/10), Đại hội lần thứ X, Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “Hiến chương ASEAN - đưa ASEAN lên một tầm cao mới”. Tham dự đại hội có hơn 200 đại biểu quốc tế đến từ các nước ASEAN và hơn 100 đại biểu đại diện cho giới luật gia trong nước. Tới dự Lễ khai mạc còn có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng nhiều đại biểu các Bộ, ban, ngành…

Trong bài phát biểu chào mừng, ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - nhấn mạnh, Đại hội lần này sẽ đánh dấu bước phát triển mới của ALA vì đây là Đại hội đầu tiên sau sự kiện thành lập Cộng đồng ASEAN. Để có một Cộng đồng ASEAN vững mạnh và bền vững, cần đạt được những tầm cao mới trong việc phát triển hệ thống pháp luật của mỗi nước và nhất thể chế hóa pháp luật trong phạm vi Cộng đồng. Sự phát triển của ASEAN không thể thiếu những nền tảng pháp luật thích hợp. Không thể có Cộng đồng có thị trường chung phát triển nếu không có hệ thống pháp luật thương mại thương tích, cũng không thể có Cộng đồng dựa trên trụ cột an ninh chung nếu không có hệ thống pháp luật đảm bảo ngăn chặn có hiệu quả tội phạm, khủng bố trong từng quốc gia và trong toàn thể Cộng đồng.

 Ông Phạm Quốc Anh cho rằng, trong sự nghiệp phát triển pháp luật hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, giới Luật gia ASEAN có vai trò to lớn và đó cũng là nhân tố thúc đẩy sự đoàn kết, hợp tác mạnh mẽ hơn trong mái nhà chung ALA.

Cùng quan điểm này, ông Atthaniti Disatha Amnarj - Chánh án Tòa án Tối cao Thái Lan, Chủ tịch ALA - trong bài phát biểu khai mạc Đại hội cũng thể hiện sự mong muốn của ALA trong quá trình phát triển và thực hiện tốt Hiến chương ASEAN, đẩy mạnh sự hợp tác về luật pháp giữa các thành viên ALA. Đồng thời, khẳng định, các thành viên của ALA sẽ có đóng góp sức mình trong việc thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia ASEAN trong việc thực hiện Hiến chương. Với tư cách Chủ tịch ALA, ông Atthaniti Disatha Amnarj thông báo, “ALA đã sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN triển khai thực hiện Hiến chương ASEAN

Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết vui mừng nhận thấy, kể từ khi Hiến chương ASEAN ra đời gần hai năm trước, đây là lần đầu tiên ALA hội tụ lại để cùng bàn thảo về những vấn đề pháp luật được đặt ra bởi bản Hiến chương lịch sử này. Sáu chủ đề Hội thảo trong Đại hội đều thân thiết và quan trọng đối với mỗi nước và đối với cả cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á. Nội dung thảo luận này sẽ góp phần làm sáng tỏ những giá trị pháp lý nền tảng của cộng đồng, làm cơ sở cho việc tiến hành các cải cách thiết chế và pháp luật ở mỗi nước. Chủ tịch nước tin tưởng rằng “Đại hội lần này sẽ là cơ hội tốt để chúng ta tăng cường hiểu biết lẫn nhau, góp phần xây dựng ASEAN thành một “cộng đồng đùm bọc và chia sẻ, tôn trọng ý nghĩa to lớn của sự thân thiện hợp tác” như đã ghi trong Hiến chương ASEAN” “giới luật gia ASEAN, trong tinh thần thân thiện và cởi mở sẽ thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm hoạt đọng và đề ra được những giải pháp góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu quan trọng đã được Hiến chương ASEAN ghi nhận là “Thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thông qua hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau”.

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước cũng thông báo về những đổi mới căn bản trong quá trình thực hiện chính sách đổi mới, hệ thống pháp luật, hệ thống tư pháp của Việt Nam trong nhiều năm qua như: dành sự quan tâm thích dáng cho viện thực thi và phát triển dân chủ, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội song song với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cải cách lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp có mục đích tiếp tục khẳng định và phát triển những giá trị lịch sử chân chính của chế độ pháp quyền. Trong nhiều năm qua, chính sách chung của Việt Nam nhằm hướng tới lợi ích của nhóm xã hội cần quan tâm đặc biệt. Chủ trương tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp luật đã được cơ quan pháp luật, các tổ chức luật gia và luật sư tích cực hưởng ứng, đặc biệt là trợ giúp pháp lý cho người nghèo, dân cư vùng dân tộc ít người…và cho những nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Những chủ trương và nỗ lực thực tiễn đó phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng đông đảo nhân dân nên đã góp phần xây dựng và củng cố xã hội lành mạnh, ổn định hướng tới sự khoan dung, đồng thuận và đoàn kết xã hội trong quá trình phát triển đất nước trong nhiều năm qua. Những nỗ lực đó hoàn toàn phù hợp với hiến chương ASEAN với nguyên tắc về sự “tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền, dân chủ và quản trị tốt”.

Hữu Tuấn

 

Ngay trong chiều 15/10/2009, các đại biểu dự Đại hội ALA đã có buổi hội thảo đầu tiên với chủ đề “Tác động của Hiến chương ASEAN tới hệ thống giáo dục pháp luật các nước ASEAN”. Sáu tham luận tại Hội thảo này là: Ảnh hưởng của Hiến chương ASEAN đối với đào tạo luật ở ASEAN (được trình bày bởi ông Zaki Abdul Rahman- Phòng tư vấn Tổng chưởng lý, Brunei); Tác động của Hiến chương ASEAN đối với đào tạo luật ở ASEAN (được trình bày bởi Luật sư Victoria V.Loanzon, Giáo sư Luật Đại học Luật East College (Manila)- Viện Luật Đại học Far Eastern (Manila); Tác động của Hiến chương Hiệp hội các nước Đông Nam Á đối với đào tạo nghề luật tại Việt Nam (trình bày bởi TS. Lê Mai Anh – Trưởng Khoa Đào tạo Thẩm phán - Học viện Tư pháp - Bộ Tư pháp Việt Nam); Đào tạo luật ở Indonesia trong khuôn khổ Hiến chương Hiệp hội các nước Đông Nam Á (được trình bày bởi TS. Rico Pandeirot, S.H., LL.M). Vai trò của Hiến chương ASEAN đối với giáo dục trong ASEAN (được trình bày bởi Giáo sư Tan Cheng Han, SC- Trưởng Khoa luật, Trường Đại học Tổng hợp Singapore); Hiến chương ASEAN và giáo dục pháp luật tại các trường Đại học luật (PGS.TS. Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Đại học Luật, TP Hồ Chí Minh); Phát triển đào tạo luật trong trường đại học công của Malaysia: tiến tới tự do hóa công tác quản lý trường đại học và thương  mại hóa giáo dục (được trình bày bởi ông Siti Naaishah Hambali); Hiến chương ASEAN và đào tạo luật ở Thái Lan (được trình bày bởi ông Sakda Thanitcul - Phó Giáo sư, Khoa Luật Đại học Chulalongkorn); Tác động của Hiến chương ASEAN tới hệ thống giáo dục pháp luật của Việt Nam (trình bày bởi PGS.TS. Trần Ngọc Dũng - Trường Đại học Luật Hà Nội).

 

Trong khuôn khổ Đại hội ALA lần thứ X, tối qua (15/10/1009), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có tiệc chiêu đãi các đại biểu tham dự Đại hội. Phát biểu tại tiệc chiêu đãi, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của Đại hội ALA lần này trong việc đóng góp cho tiến trình thực thi Hiến chương ASEAN và vui mừng nhận thấy sự hiện diện ở đây tiếng nói và sự hỗ trợ của ALA - một tổ chức đại diện rộng rãi của giới luật gia, đối với những cố gắng của Chính phủ các nước ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Về phía Chính phủ và Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cam kết sẽ làm hết sức để cùng với Hiến chương ASEAN đưa ASEAN lên những tầm cao mới, đúng như chủ đề mà Đại hội đồng Hiệp hội lần thứ X đã đề ra; Tạo điều kiện cho sự phát triển và lớn mạnh của các tổ chức, hiệp hội pháp luật phi chính phủ ở Việt Nam; Ra sức ủng hộ, hỗ trợ, sát cánh cùng Hội Luật gia Việt Nam hoàn thành cương vị Chủ tịch Hiệp hội Luật ASEAN trong nhiệm kỳ tới.