Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”

20/07/2017
Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”
Ngày 19/7, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật (THPL)”. Với tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để như hiện nay thì nhiều ý kiến đồng tình với sự cần thiết ban hành Đề án này.
Có tình trạng nhờn luật
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, xây dựng và tổ chức THPL là nhiệm vụ quan trọng trong tiến tới xây dựng nhà nước pháp quyền. Những năm qua, công tác xây dựng pháp luật của Việt Nam đã có bước tiến đáng kể, thể hiện qua mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều có quy định pháp luật điều chỉnh. Quy trình xây dựng pháp luật cũng có nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
 Trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là yêu cầu bức thiết đặt ra. Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và THPL chính là nhằm cụ thể hóa một bước quy định của Hiến pháp 2013 và các Luật về tổ chức khác, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức THPL trong tình hình mới ở nước ta hiện nay. “Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề án là thể hiện thay đổi nhận thức, chuyển hướng quan tâm hơn tới công tác THPL nhưng quan trọng hơn là các định hướng, giải pháp, đề xuất nội dung công việc của Đề án đưa ra có đúng, có trúng hay không để giúp cho đất nước ta cải thiện đáng kể tình hình tổ chức THPL hiện nay” – Thứ trưởng Ngọc hy vọng.
Bàn về sự cần thiết xây dựng dự thảo Đề án, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL Đặng Thanh Sơn dẫn chứng, tình trạng pháp luật không được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất, triệt để, thậm chí nhờn luật đang diễn ra tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp, nông thôn...) và ngay trong chính bộ máy nhà nước, thậm chí trong toàn xã hội. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tác động xấu đến tăng trưởng và phát triển kinh tế, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng, trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Kết quả đạt được của hoạt động xây dựng pháp luật trong những năm qua dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng đã không thể phát huy hết được giá trị như mong muốn do một trong những nguyên nhân quan trọng là công tác tổ chức THPL chưa đạt hiệu quả trong thực tiễn.
Để khắc phục bất cập trên, ông Sơn cho biết, dự thảo Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong các giai đoạn 2018 - 2020 và 2021 - 2026. Trong giai đoạn đầu sẽ tập trung nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo, người soạn thảo cần phải nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, gắn xây dựng chính sách với tổng kết, đánh giá thực tiễn; nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, thông qua việc tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế của hệ thống pháp luật; đảm bảo công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin của các đối tượng chịu tác động của các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình ban hành và tổ chức THPL...
Ở giai đoạn tiếp theo 2021 - 2026, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy trong hoạt động quản lý nhà nước nói chung và công tác tổ chức THPL nói riêng. Cùng với đó là những giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực, đảm bảo hoạt động của các thiết chế THPL…
Phải đồng bộ cả 3 khâu
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Ngọc Đường quan niệm, để tổ chức THPL theo Hiến pháp 2013, trong các cơ quan có thẩm quyền tổ chức THPL cần tổ chức bộ máy chuyên trách chăm lo công tác này. Trước mắt, đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định hay Chỉ thị về công tác này làm cơ sở pháp lý bước đầu cụ thể hóa Hiến pháp về tổ chức THPL. Đồng thời có thể giao Bộ Tư pháp, cơ quan có trách nhiệm giúp Chính phủ và Thủ tướng lãnh đạo và quản lý công tác tổ chức THPL trong cả nước.
Qua quan sát thực tiễn, TS. Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý nhận thấy, một lĩnh vực pháp luật không được tổ chức thực thi tốt thường có sự không đồng bộ ở 3 khâu: thể chế (quy phạm); thiết chế (cách thức tổ chức bộ máy); cán bộ được giao trách nhiệm thực thi pháp luật (yếu tố con người) và các điều kiện bảo đảm khác. Theo ông Cương, một điều rất quan trọng trong việc bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh vào thống nhất chính là việc tạo động lực cho cán bộ làm công tác tổ chức THPL. “Phải làm sao để cán bộ được giao chức trách tổ chức các công việc về THPL luôn có động lực (tích cực hoặc chịu áp lực cần thiết) tổ chức thi hành công việc một cách tốt nhất… Có như thế, kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức THPL mới bảo đảm. Pháp luật mới thực sự được thượng tôn” – ông Cương chia sẻ.
Tại Hội nghị, các chuyên gia nước ngoài cũng đã cung cấp kinh nghiệm quốc tế của một số nước về tổ chức THPL, bài học với Việt Nam. Giám đốc thường trú tại Việt Nam của Dự án Phát triển lập pháp quốc gia Canada – ông Jacob Gemmelgaard đến từ Đan Mạch cho biết, ở Đan Mạch, việc thực thi pháp luật ủy quyền rộng rãi cho các bộ, các cơ quan chuyên trách, chính quyền khu vực và địa phương, các cơ chế khiếu kiện công khai... Còn theo dõi THPL, cơ quan quan trọng nhất là Nghị viện với 30 Ủy ban, tiếp đến là các bộ trưởng, các cơ quan thanh tra… Một số cơ quan khác như tòa án, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức đại diện cho lợi ích của khối tư nhân, giới truyền thông cũng tham gia theo dõi THPL nhưng không đóng vai trò lớn.
Phân tích một số điểm khác biệt so với Việt Nam, ông Jacob đưa ra những khuyến nghị ngắn hạn như cần nêu rõ mục tiêu cho từng dự thảo luật và chính sách như là một điều kiện để được phê duyệt; cần đề xuất theo dõi mục tiêu của tất cả các dự thảo luật và chính sách; bộ chủ quản cần đề xuất kế hoạch theo dõi các mục tiêu. Về trung hạn, cần đặt ra chuẩn mực đối với thông tin và số liệu thống kê do các cơ quan nhà nước báo cáo; báo cáo công khai thường niên của các bộ và cơ quan nhà nước. Còn về lâu dài hạn, theo chuyên gia người Đan Mạch, mỗi bộ cần quyết định dần dần đưa vào áp dụng cơ chế theo dõi dựa trên kết quả, phân cấp trách nhiệm theo dõi THPL, chỉ định một cơ quan trung ương điều phối việc theo dõi THPL (ở Đan Mạch là Nghị viện như đã nêu trên).
H.Thư