Tiêu chí thi đua cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành

14/07/2017
Tiêu chí thi đua cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành
Đây là một trong những giải pháp được nhiều đại biểu nêu lên tại Tọa đàm “Đánh giá thực trạng, nâng cao chất lượng xây dựng và tổ chức thực hiện Bảng tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá xếp hạng Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” diễn ra sáng 14/7 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng khẳng định thi đua, khen thưởng là công tác khó, đòi hỏi ngày càng phải đi vào thực chất để đảm bảo sự công bằng. Bảng tiêu chí thi đua chính là một công cụ quan trọng để đánh giá khách quan việc thực hiện công tác của Sở Tư pháp và các cơ quan thuộc ngành Tư pháp địa phương, làm cơ sở để bình xét khen thưởng đồng thời giúp các đơn vị quản lý nhà nước ở Trung ương đánh giá được chất lượng hoạt động, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách trong toàn ngành được chính xác. Qua đó, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp, giúp các Sở Tư pháp tự nhìn nhận, đánh giá chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ và vị trí, thứ hạng của đơn vị mình theo từng năm, làm cơ sở phát huy và phấn đấu trong những năm tiếp theo.

Báo cáo đánh giá thực trạng và phương hướng, giải pháp nâng cao chất lượng công tác và tổ chức thực hiện Bảng tiêu chí, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua – khen thưởng Phùng Huy Thuận cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác này. Về xây dựng Bảng tiêu chí, do phải thay đổi theo hàng năm, không có tính ổn định, lâu dài, số lượng tiêu chí kế thừa được qua các năm còn ít nên nhiều tiêu chí của một số lĩnh vực bị trùng lặp, chồng chéo. Nhiều tiêu chí chấm điểm mới chỉ dừng lại ở việc kiểm soát các nhiệm vụ công việc có thực hiện được hay không mà chưa đánh giá sát được hiệu quả, chất lượng công việc; việc xây dựng tiêu chí thành phần và thang điểm chi tiết đối với các tiêu chí còn chưa đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.
Về kết quả thực hiện Bảng tiêu chí, một số đơn vị, địa phương còn tình trạng chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa xong nhiệm vụ, chưa chú ý đến vai trò và chất lượng tổ chức thực hiện, tình trạng nể nang, cảm tính trong đánh giá chấm điểm vẫn còn tồn tại. Việc theo dõi quản lý nhà nước đối với lĩnh vực phụ trách của một số đơn vị thuộc Bộ còn chưa sát sao nên phần nào ảnh hưởng đến tính chính xác của việc đánh giá, chấm điểm đối với Sở Tư pháp, nhiều đơn vị chưa chủ động phối hợp trong việc tổng hợp, chỉnh lý, hoàn thiện Bảng tiêu chí.
Để Bảng tiêu chí tiếp tục được hoàn thiện và bám sát tình hình thực tế, Cục trưởng Cục công tác phía Nam Nguyễn Thanh Bình cho rằng Bảng tiêu chí nên tránh dàn đều các công việc mà cần có sự phân biệt, thứ tự ưu tiên các hạng mục để giúp các đơn vị thuộc Bộ và các Sở Tư pháp địa phương tập trung nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm bên cạnh các công việc thực hiện thường xuyên. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm về quy trình, thủ tục đánh giá, có thể lấy đến thời điểm 31/10 và ước thực hiện đến 31/12, sau đó các Cụm chấm điểm và gửi về Vụ Thi đua - khen thưởng để làm cơ sở cho Hội đồng Thi đua - khen thưởng của Bộ chấm điểm.

Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh tới nguyên tắc công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình xem xét, đánh giá thi đua giữa các Sở Tư pháp. Bảng tiêu chí cần căn cứ vào các chỉ tiêu công tác để bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng, bên cạnh việc trừ điểm đối với các đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ cũng cần có điểm cộng khuyến khích đối với các sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực chuyên môn mà đơn vị phụ trách.
Đề cao vai trò của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi đua, khen thưởng, Giám đốc Sở Tư pháp Điện Biên Phạm Đình Quế cho rằng cần đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực liên quan đến các tiêu chí chấm điểm để Sở Tư pháp các tỉnh tự chấm điểm và đối chiếu được ngay kết quả, đảm bảo chính xác, khách quan. Ngoài ra, ông Quế cũng đề nghị tăng thêm điểm tại mục về công tác xây dựng, thẩm định đề nghị và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm soát thủ tục hành chính và công tác pháp chế vì đây là các lĩnh vực rất quan trọng, là tiêu chí chủ chốt để UBND các tỉnh đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ngành tại địa phương.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, Vụ trưởng Vụ Thi đua – khen thưởng Nguyễn Thị Tố Nga khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến để có thể xây dựng, hoàn thiện Bảng tiêu chí, thang điểm đánh giá ngày càng bám sát nhiệm vụ trọng tâm cũng như tình hình thực tế. Có như vậy mới tạo cơ sở thực tế vững chắc để Bộ Tư pháp đánh giá đầy đủ, toàn diện hoạt động của các Sở Tư pháp, từ đó đề ra các giải pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời và hiệu quả nhất.
Kim Quy