Kết thúc tốt đẹp Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Xinh-ga-po về hợp tác Pháp luật và Tư pháp

20/07/2017
Kết thúc tốt đẹp Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Xinh-ga-po về hợp tác Pháp luật và Tư pháp
Ngày 18/7/2017, Phiên họp lần thứ Tư Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Xinh-ga-po thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Xinh-ga-po về hợp tác pháp luật và tư pháp đã được tổ chức tại Xinh-ga-po dưới sự đồng chủ trì của bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Việt Nam và bà Thian Yee Sze, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Pháp luật Xinh-ga-po.
Đoàn liên ngành Việt Nam tham dự Phiên họp gồm có đại diện Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Ngoại giao (Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po). Trong 2 ngày làm việc tại Xinh-ga-po, ngoài việc tham dự Phiên họp lần thứ Tư Ủy ban Hỗn hợp, đoàn cán bộ liên ngành Việt Nam đã làm việc với các cơ quan của Xinh-ga-po là đối tác tham gia thực hiện Thỏa thuận hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai Chính phủ. Thành phần tham dự Phiên họp về phía Xinh-ga-po gồm các đại biểu tư pháp liên ngành đến từ Bộ Pháp luật, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Tổng chưởng lý, Tòa án Cấp cao và Tòa án tối cao Xinh-ga-po.
Tại Phiên họp, đồng Chủ trì Phiên họp - bà Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác và kết quả hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước nói chung và giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Pháp luật Xinh-ga-po nói riêng, đặc biệt kể từ khi hai Chính phủ Việt Nam và Xinh-ga-po ký Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp vào cuối năm 2008. Đây là thỏa thuận khung giữa hai Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan pháp luật và tư pháp hai nước tăng cường quan hệ hợp tác trong việc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về xây dựng, thực thi pháp luật cũng như cùng có tiếng nói chung trên các diễn đàn pháp luật quốc tế và khu vực và ủng hộ các sáng kiến của nhau trong khuôn khổ ASEAN. 
Đánh giá lại những hoạt động mà hai Bên đã đặt ra tại Phiên họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ Ba tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11/2014, hai Đồng Chủ trì Phiên họp nhất trí rằng, các hoạt động mà hai Bên đã đặt ra 3 năm trước đây về cơ bản là phù hợp và được thực hiện hiệu quả, thể hiện sự nỗ lực hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Xinh-ga-po.

Bà Đặng Hoàng Oanh bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan pháp luật và tư pháp Xinh-ga-po, các cơ sở đào tạo pháp luật của Xinh-ga-po đã tạo điều kiện hỗ trợ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và bài học từ Xinh-ga-po mà các cán bộ pháp luật và tư pháp Việt Nam thu nhận được đã có những đóng góp nhất định vào quá trình hoàn thiện pháp luật và cải cách tư pháp ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện Biên bản hợp tác giữa hai nước trong 3 năm qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nội dung đào tạo còn tương đối hạn chế, thời gian đào tạo ngắn, việc đào tạo dài hạn bậc Thạc sỹ và Tiến sỹ cho cán bộ pháp luật Việt Nam tại Xinh-ga-po chưa thực hiện được do hạn chế về trình độ tiếng Anh của các cán bộ Việt Nam, việc cử cán bộ sang thực tập nghề tại các cơ quan, tổ chức của Xinh-ga-po và việc tiến hành nghiên cứu so sánh pháp luật của hai nước vẫn chưa được thực hiện.
Thay mặt Bộ Pháp luật Xinh-ga-po, bà Thian Yee Sze đánh giá cao mối quan hệ hợp tác về mọi mặt giữa hai nước, khẳng định Việt Nam luôn là đối tác ưu tiên trong quan hệ hợp tác của Xinh-ga-po, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật. Xinh-ga-po sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm mà nước này vốn có thế mạnh như: đào tạo cơ bản Công tố viên, kỹ năng soạn thảo văn bản pháp luật, đào tạo cho luật sư và các chức danh tư pháp, thi hành các thỏa thuận và phán quyết của trọng tài quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại, đàm phán các điều ước và thỏa thuận quốc tế, tiếng Anh pháp lý và các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn về pháp luật… Bà Thian Yee Sze nhấn mạnh Xinh-ga-po là nước đứng thứ ba trên thế giới trong lĩnh vực trọng tài, hòa giải thương mại. Bên cạnh Trung tâm trọng tài quốc tế Xinh-ga-po đang hoạt động rất uy tín và hiệu quả, Xinh-ga-po cũng đã thành lập Trung tâm Hòa giải quốc tế Xinh-ga-po (SMIC) và Tòa án thương mại quốc tế Xinh-ga-po (SICC) để giải quyết những tranh chấp thương mại trong khu vực và quốc tế. Do vậy, Xinh-ga-po rất mong muốn được chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho Việt Nam thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn với sự tham dự của các cán bộ pháp luật Việt Nam.
Phía Xinh-ga-po cũng nhất trí với đề xuất của Việt Nam về việc kéo dài thời gian khóa tập huấn, đào tạo. Trong thời gian tới, Xinh-ga-po sẽ mời cán bộ Việt Nam tham dự một số khóa đào tạo kéo dài trong thời gian 1 tuần như: khóa đào tạo về quản trị tư pháp, sử dụng công nghệ ở tòa án…
Đặc biệt tại Phiên họp này, hai Bên đã chia sẻ thông tin về việc Việt Nam và Xinh-ga-po là thành viên của Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế (HccH) vào các năm 2013 và 2014. Hai Bên nhất trí sẽ thúc đẩy các hoạt động hợp tác về các sáng kiến liên quan đến HccH bao gồm cả việc chia sẻ kinh nghiệm gia nhập các Công ước của HccH. Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm gia nhập các thiết chế pháp lý quốc tế trong thời gian gần đây như Tổ chức quốc tế về Luật phát triển (IDLO), Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi (ALLCO) và sắp tới dự kiến gia nhập Viện Quốc tế về nhất thể hóa pháp luật tư (UNIDROIT).
Hai Bên đã nhất trí cao với nội dung Biên bản Phiên họp lần thứ Tư Ủy ban hỗn hợp thực hiện Biên bản thỏa thuận gữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Xinh-ga-po về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Văn kiện này đã được hai đồng Chủ trì Phiên họp ký vào chiều 18/7/2017, tại Bộ Pháp luật Xinh-ga-po trước sự chứng kiến của đại diện các cơ quan hữu quan của cả hai Bên.
Ngoài ra, hai Bên đã trao đổi và thảo luận về việc mở rộng thêm các lĩnh vực hợp tác với các nội dung mới nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác ngày càng tăng của Việt Nam và Xinh-ga-po, cụ thể:
- Về hợp tác trong khuôn khổ ASEAN: Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ hợp tác ASEAN (ASLOM, ALAWMM). Hai Bên đã nhắc lại các Sáng kiến đã được đưa ra tại Hội nghị ASLOM 17 tổ chức tại Ma-lai-xi-a tháng 5 vừa qua cụ thể là: Sáng kiến của Xinh-ga-po về việc thành lập nhóm công tác về Công ước Lahay về Thỏa thuận lựa chọn tòa án; các đề xuất của Việt Nam về tiếp tục thúc đẩy hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN.
- Trên diễn đàn đa phương, hai Bên cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế để tăng cường tiếng nói của ASEAN trên trường quốc tế, thể hiện tinh thần đoàn kết, quan điểm thống nhất và nhu cầu hợp tác của ASEAN với các đối tác đa phương. Xinh-ga-po cũng đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm gia nhập ALLCO, IDLO và UNIDROIT và cho biết Xinh-ga-po cũng sẽ nghiên cứu khả năng gia nhập các thiết chế này trong tương lai gần.
Các hoạt động bên lề Phiên họp: Bên lề Phiên họp lần thứ Tư Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Xinh-ga-po, Đoàn cán bộ tư pháp liên ngành Việt Nam đã thảo luận với đại diện Văn phòng Tổng chưởng lý và Tòa án tối cao Xinh-ga-po, tới thăm và làm việc với Tòa Thương mại Quốc tế thuộc Tòa án tối cao Xinh-ga-po, Trung tâm Trọng tài quốc tế Xinh-ga-po, Trung tâm Hòa giải quốc tế Xinh-ga-po và Khoa Luật Đại học Quốc gia Xinh-ga-po – các cơ quan tham gia thực hiện Biên bản Thỏa thuận hợp tác giữa hai Chính phủ nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động hợp tác và thống nhất các biện pháp nhằm mở rộng các hình thức và tăng cường hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.
Đại diện các cơ quan này đều đánh giá cao hiệu quả các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận gữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Xinh-ga-po về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp và  bày tỏ cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động mà hai Bên đã thảo luận và nhất trí tại Biên bản Phiên họp lần thứ Tư Ủy ban hỗn hợp.
Phiên họp lần thứ Tư Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Xinh-ga-po đã được tổ chức thành công và để lại dấu ấn tốt đẹp đối với các thành viên Đoàn cán bộ tư pháp liên ngành hai Chính phủ. Thành công của Phiên họp có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới, đưa quan hệ hợp tác pháp luật, tư pháp giữa hai nước ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Việc thống nhất và đi đến ký kết Biên bản Phiên họp lần thứ Tư Ủy ban hỗn hợp với những hoạt động cụ thể thể hiện thiện chí, tinh thần hợp tác tích cực trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước nói chung và giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Pháp luật Xinh-ga-po nói riêng.
Đặng Hoàng Oanh