Hội thảo tham vấn “nghiên cứu sự cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam

13/07/2017
Hội thảo tham vấn “nghiên cứu sự cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam
Trong khuôn khổ chương trinh trình hợp tác năm 2017 giữa Bộ Tư pháp với Viện KAS, sáng ngày 13/07/2017, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn “nghiên cứu sự cần thiết xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Tiến Châu- Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng trong lĩnh vực tư pháp, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để làm hài hoà hệ thống luật pháp, chính sách của quốc gia về tư pháp người chưa thành niên với Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác có liên quan như Quy tắc Bắc Kinh, Quy tắc Tokyo,... Sự ra đời của Tòa án gia đình và người chưa thành niên theo Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em và tạo cơ sở pháp lý cho hàng loạt các biện pháp thay thế xử lý hình sự, quy trình tố tụng thân thiện,… là những minh chứng cho các nỗ lực đó.
Tuy nhiên, hệ thống xử lý trẻ em vi phạm cũng như hệ thống bảo vệ trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong hoạt động tố tụng của ta còn một số bất cập, hạn chế:
Thứ nhất, khác với đa số các quốc gia khác, việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay được thực hiện theo hai hệ thống xử lý hình sự và hành chính, trong đó có các biện pháp trùng về tên gọi, về tính chất (như giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng) nhưng thủ tục, đối tượng áp dụng thì khác nhau. Điều này làm giảm hiệu quả của việc giáo dục người chưa thành niên vi phạm pháp luật, gây khó khăn đối với người thực thi và cả người giám sát, kiểm tra, cũng như gây khó khăn cho việc quy định và áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng/biện pháp thay thế xử lý chính thức trong pháp luật hình sự.
Thứ hai, các quy định của pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật đã có nhưng lại nằm rải rác tại nhiều đạo luật như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật thi hành án hình sự, Luật chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em,..., các đạo Luật này do các cơ quan soạn thảo khác nhau, nên không tránh khỏi có những quy định chưa thống nhất. Mặt khác, do quy định tại nhiều đạo luật, nên việc triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp này cũng gặp nhiều khó khăn do các đạo luật này có hiệu lực pháp lý ở các thời điểm khác nhau.
Thứ ba, đối với trẻ em là nạn nhân, nhân chứng trong các vụ án hình sự hoặc trẻ em tham gia quá trình tố tụng dân sự, qua rà soát, pháp luật hiện hành bước đầu đã có quy định riêng về các thủ tục tố tụng thân thiện đối với các đối tượng này nhằm tránh gây tổn thương cho trẻ em trong quá trình tố tụng, bảo vệ bí mật đời tư v.v…, tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, việc tổ chức thực thi trên thực tế vẫn còn hạn chế.
Thứ tư, về cơ quan đầu mối về tư pháp đối với người chưa thành niên, hiện nay Việt Nam có nhiều cơ quan có liên quan đến tư pháp đối với người chưa thành niên như công an, viện kiểm sát, toà án, lao động thương binh và xã hội,..với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến người chưa thành niên khác nhau, tuy nhiên, chúng ta chưa có một cơ quan làm đầu mối kết nối cũng như điều phối về vấn đề tư pháp người chưa thành niên như hầu hết các nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp ý kiến về “xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật qua đó hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả xử lý; thủ tục về xử lý người chưa thành niên phạm tội…”
Chủ trì Hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những ý kiến quý báu  góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về người chưa thành niên.
                            Nguyễn Văn Quân, Phòng  THHC