Hội thảo về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị

19/07/2017
Hội thảo về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị
Ngày 17/7/2017, Hội thảo tham vấn ý kiến về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị tại Thành phố Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của đông đảo đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội..
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh: “Công ước ICCPR có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội và pháp lý của Việt Nam. Các quy định của Công ước được tuyên truyền, phổ biến đến người dân, được nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, được nội luật hóa vào hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là đã được nghiên cứu rất kỹ trong quá trình soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 2013, được phân tích, rà soát trong xây dựng các đạo luật được Quốc hội thông qua gần đây”.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, kể từ năm 2014, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ phân công làm cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam đối với Công ước ICCPR, với mục tiêu gắn chặt hơn việc tham gia Công ước ICCPR với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam, đề cao hiệu quả thực thi Công ước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Bộ Tư pháp đã tổ chức thực hiện nhiều hoạt động để hướng tới đạt được mục tiêu này. Đối với nhiệm vụ xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 3, ngay từ khi tiếp nhận nhiệm vụ được bàn giao từ Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch cụ thể để soạn thảo, tham vấn rộng rãi để có thể xây dựng Báo cáo phản ánh được những nỗ lực, kết quả và thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện Công ước ICCPR.
Nhận thức rõ việc xây dựng Báo cáo không chỉ thể hiện sự nghiêm túc và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên Công ước ICCPR mà còn là cơ hội tốt để tất cả chúng ta cùng rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam về các quyền dân sự, chính trị, việc tổ chức thực hiện pháp luật liên quan trên thực tế, cũng như cơ chế bảo vệ các quyền dân sự và chính trị tại Việt Nam. Chính vì vậy, việc tham gia của các cơ quan, tổ chức Việt Nam và quốc tế trong quá trình này có ý nghĩa quan trọng.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976. Đây cũng là Công ước có phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân. Tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được khẳng định mạnh mẽ bởi sự tham gia đông đảo của cộng đồng quốc tế - hiện tại có khoảng 170 quốc gia là thành viên của Công ước này, và nội dung của Công ước luôn được đề cập tới khi thảo luận về các vấn đề quyền con người. Việt Nam gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24/9/1982. Với tầm quan trọng cũng như mức độ phổ quát của Công ước ICCPR, Việt Nam đã hết sức nỗ lực thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước này.
Hiện nay, Việt Nam đang tập trung triển khai thực hiện nhiều công việc nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc tham gia Công ước ICCPR, đặc biệt là ngày càng đảm bảo và phát huy các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, chẳng hạn như: nội luật hóa các quy định của Công ước ICCPR; tuyên truyền, phổ biến về Công ước ICCPR và các văn bản pháp luật Việt Nam...
Kể từ khi tham gia Công ước ICCPR, Việt Nam đã có 02 Báo cáo quốc gia định kỳ thực thi Công ước ICCPR trình Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc vào năm 1989 và 2001. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan soạn thảo Báo cáo về việc thực thi Công ước ICCPR (sau đây gọi là Báo cáo). Việc xây dựng Báo cáo được thực hiện vào thời điểm có tính bước ngoặt của Việt Nam, khi Việt Nam bắt đầu triển khai thi hành Hiến pháp mới – Hiến pháp 2013. Việc xây dựng Báo cáo cũng là cơ hội để Việt Nam cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ hơn cho cộng đồng quốc tế về việc bảo đảm và phát huy quyền con người ở Việt Nam.
Dự thảo Báo cáo được soạn thảo theo hướng dẫn mới tại Tài liệu CCPR/C/2009/1 Hướng dẫn các quốc gia thành viên xây dựng báo cáo theo quy định của Điều 40 Công ước ICCPR và Tài liệu HRI/GEN/2/Rev.6 tập hợp các hướng dẫn về hình thức và nội dung báo cáo về các điều ước quốc tế về quyền con người do các quốc gia thành viên đệ trình.
Trong quá trình soạn thảo Báo cáo, Bộ Tư pháp thường xuyên nhận được sự tham gia phối hợp chặt chẽ của Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, sự hướng dẫn của Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan đã tích cực phối hợp, cung cấp thông tin trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để xây dựng dự thảo Báo cáo.
Để dự thảo Báo cáo được hoàn thiện, phản ánh khách quan tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các cơ quan, cán bộ, công chức hoạt động thực tiễn đại diện cho các cơ quan tư pháp, lập pháp, hành pháp, các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ đối với dự thảo Báo cáo. Với cách tiếp cận đa chiều, các ý kiến góp ý đối với dự thảo Báo cáo có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện Báo cáo trước khi trình Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc.
Dự kiến, Báo cáo sau khi hoàn thiện sẽ được trình Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc./. 
Vụ Pháp luật quốc tế