Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp

22/06/2010
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 17/6/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 11/2010/TTLT-BTP-BNV hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp.

Đây là văn bản pháp lý quan trọng góp phần tổ chức lại công việc, sắp xếp bộ máy, quản lý và sử dụng lao động, nhằm phát huy khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, tăng nguồn thu, từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động, đẩy mạnh xã hội hoá trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, phân biệt rõ cơ chế quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp với cơ chế quản lý nhà nước đối với cơ quan hành chính nhà nước. Sau đây là một số nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch này:

1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp, bao gồm:

- Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản trực thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm - Bộ Tư pháp;

- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Phòng Công chứng, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ

Đơn vị sự nghiệp được tự chủ thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; nhiệm vụ tự xác định khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực và điều kiện thực hiện của đơn vị sự nghiệp; các hoạt động liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động, tùy khả năng còn được thực hiện thêm các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP.

3. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức bộ máy

Đơn vị sự nghiệp được thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động trực thuộc đơn vị mình để hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý và sử dụng viên chức của đơn vị; được thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể, tổ chức lại các phòng và tổ chức trực thuộc khác theo quy định của pháp luật.

4. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế

Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên được quyền quyết định kế hoạch biên chế và có trách nhiệm báo cáo kế hoạch biên chế để cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát.

Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp được ngân sách Nhà nước cấp toàn bộ chi phí hoạt động căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu thực tế công việc, định mức biên chế sự nghiệp đã được phê duyệt và khả năng tài chính, có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch biên chế của đơn vị.

Ngoài ra, các đơn vị sự nghiệp còn được ký hợp đồng thuê, khoán đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên; ký hợp đồng lao động và các hình thức hợp tác khác với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

5. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức

- Về tuyển dụng, ký hợp đồng làm việc: Đơn vị sự nghiệp được quyết định tuyển dụng viên chức theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển phù hợp với đặc điểm chuyên môn của từng lĩnh vực cần tuyển và điều kiện cụ thể của từng đơn vị; tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng; ký hợp đồng làm việc đối với những người đã được tuyển dụng trên cơ sở tiêu chuẩn của ngạch cần tuyển và phù hợp với cơ cấu chức danh, nghiệp vụ chuyên môn theo quy định của pháp luật.

- Về đào tạo, bồi dưỡng: Đơn vị sự nghiệp cử viên chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các khoá đào tạo, bồi dưỡng khác ở trong nước theo yêu cầu công việc; trình cơ quan có thẩm quyền xem xét việc cử viên chức tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, đi công tác ở nước ngoài.

- Về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức và cho từ chức các chức danh lãnh đạo của đơn vị: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trình cơ quan có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức và cho từ chức cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp; quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức và cho từ chức các chức danh lãnh đạo của tổ chức trực thuộc đơn vị theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về các quyết định đó.

- Về một số hoạt động khác trong quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức, Thông tư liên tịch đã quy định theo hướng: Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp có thẩm quyền tiếp nhận, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, bố trí, phân công công tác, điều động, biệt phái, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc, nâng bậc lương, hưu trí, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị từ ngạch chuyên viên và ngạch tương đương ngạch chuyên viên trở xuống.

Thông tư liên tịch có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ Tổ chức cán bộ


Nguyễn Ngọc Vũ