Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật

08/03/2010
Ngày 03/03/2010, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký, ban hành Thông tư số 03/2010/TT-BTP hướng dẫn thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Thông tư gồm 5 Chương tương ứng với 5 nội dung lớn. Cụ thể: Chương I - Những quy định chung; Chương II - Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Chương III - Cơ chế và cách thức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Chương IV - Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật; Chương V - Tổ chức thực hiện.

Bên cạnh các nội dung chủ yếu nêu trên, ban hành kèm theo Thông tư là mẫu Báo cáo định kỳ hằng năm về tình hình thi hành pháp luật để các Bộ, ngành và địa phương thực hiện chế độ báo cáo một cách thống nhất. Thông tư sẽ có hiệu lực sau 45 ngày, kể từ ngày 03/3/2010.

1. Về những quy định chung:

Những quy định chung được quy định từ Điều 1 đến Điều 3 Chương I của Thông tư, bao gồm: Phạm vi, đối tượng áp dụng; nguyên tắc theo dõi thi hành pháp luật và mục đích công tác theo dõi thi hành pháp luật.

2. Về nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật:

Nội dung theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định từ Điều 4 đến Điều 9 Chương II của Thông tư. Trong đó, tại Điều 4 xác định 5 nội dung chủ yếu, quan trọng mà hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật cần thực hiện, từ Điều 5 đến Điều 9 là các quy định cụ thể về 5 nội dung nêu trên, bao gồm:

1. Tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và của cơ quan nhà nước cùng cấp có thẩm quyền.

2. Mức độ tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

3. Hiệu quả của công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật.

4. Tính hợp lý của các quy định pháp luật.

5. Các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật và các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật

3. Về cơ chế và cách thức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật:

Cơ chế và cách thức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được quy định tại Chương III của Thông tư và được chia làm 02 Mục:

Mục 1, từ Điều 10 đến Điều 14 quy định về cơ chế thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bao gồm theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực; theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở địa phương; theo dõi tình hình thi hành pháp luật dựa trên cơ sở thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cung cấp. Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước; các Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo ngành, lĩnh vực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi địa phương. Tổ chức pháp chế là cơ quan tham mưu, giúp Thủ trưởng các Bộ, ngành thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành; Sở Tư pháp tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp ở địa phương.

Mục 2, từ Điều 15 đến Điều 18 của Thông tư quy định về cách thức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, theo đó các Bộ, ngành và địa phương tiến hành công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên cơ sở: thứ nhất, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật; thứ hai, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; thứ ba, thu thập, xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật.

4. Về báo cáo về tình hình thi hành pháp luật:

Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật được quy định từ Điều 19 đến Điều 22 Chương IV của Thông tư. Theo đó, định kỳ hằng năm, Bộ Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước trước ngày 25/12; các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng Báo cáo tình hình thi hành pháp luật về lĩnh vực được phân công phụ trách hoặc trong phạm vi địa phương, gửi Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Chính phủ trước trước ngày 31/10. Nội dung của Báo cáo định kỳ được xây dựng theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư. Niên hạn báo cáo được tính từ ngày 01/10 của năm trước đến ngày 30/9 của năm thực hiện báo cáo.

Ngoài ra, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện chế độ báo cáo tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề và báo cáo trong trường hợp đột xuất. Căn cứ vào Chương trình công tác và Kế hoạch giám sát của Quốc hội; Chương trình công tác trọng tâm của Chính phủ và thực tiễn thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp định hướng một số lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo về tình hình thi hành pháp luật theo chuyên đề. Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo về tình hình thi hành pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi phát hiện những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật hoặc thấy cần thiết phải áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời những thiệt hại có thể xảy ra cho đời sống xã hội.

5. Về tổ chức thực hiện:

Tổ chức thực hiện được quy định từ Điều 23 đến Điều 25 Chương V của Thông tư quy định các vấn đề về kinh phí thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; hiệu lực của Thông tư và trách nhiệm thi hành.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật