Chính phủ ban hành Nghị định mới về bán đấu giá tài sản - tiền đề quan trọng cho việc chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

05/03/2010
Ngày 04/3/2010, Chính phủ đã ký Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản. Đây là một văn bản hết sức quan trọng trong thể chế nền kinh tế thị trường nói chung và thể chế ngành Tư pháp nói riêng. Nghị định được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả sẽ tạo ra được sự phát triển có tính đột phá trong hoạt động bán đấu giá tài sản, đáp ứng các yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị định gồm có 5 Chương với 57 Điều thể hiện các quan điểm và các nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, thống nhất nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá với các loại tài sản bắt buộc phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Tài sản phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật bao gồm tài sản thi hành án theo pháp luật về thi hành án, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tài sản nhà nước có quyết định bán đấu giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản là quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền quyết định bán đấu giá theo pháp luật về đất đai; tài sản bảo đảm được xử lý bằng bán đấu giá và các tài sản khác phải được bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

Như vậy, phạm vi điều chỉnh và áp dụng Nghị định mới liên quan đến các tài sản bán đấu giá được làm rõ và mở rộng hơn nhiều so với quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP. Trên thực tế, Nghị định 05/2005/NĐ-CP chỉ được áp dụng chủ yếu đối với việc bán đấu giá các tài sản thi hành án, tài sản là tang vật phương tiện vi phạm hành chính và một số ít tài sản bảo đảm, tài sản nhà nước.... Ngoài các tài sản thuộc diện bắt buộc phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật, các tổ chức bán đấu giá tài sản được quyền bán các loại tài sản của tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê các tổ chức này thực hiện bán đấu giá. 

Đặc biệt, theo quy định của Nghị định mới, việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước đây được áp dụng theo Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ nay đã được thu hút và thống nhất áp dụng theo các nguyên tắc, trình tự và thủ tục bán đấu giá tài sản quy định tại Nghị định này theo hướng các Tổ chức phát triển quỹ đất phải ký hợp đồng với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định này) để các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất. Quy định mới này của Nghị định đã khắc phục được tình trạng manh mún, thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động bán đấu giá tài sản hiện nay.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản theo hướng bảo đảm sự công khai, minh bạch, khách quan, hạn chế hiện tượng thông đồng, dìm giá, tránh thất thoát tài sản của nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có tài sản bán đấu giá (các quy định về khoản tiền đặt trước, rút lại giá đã trả, từ chối mua, ký hợp đồng bán đấu giá tài sản, bảo vệ quyền lợi ích, hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá ngay tình... đều được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp).

Thứ hai, tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản gắn với lộ trình cụ thể. Đặc biệt, Nghị định mới đã tạo sự bình đẳng giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản để thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ bán đấu giá tài sản, quy định doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản có quyền bình đẳng trong việc bán đấu giá các tài sản phải được bán đấu giá, tùy thuộc vào quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền lựa chọn tổ chức đủ năng lực để bán đấu giá tài sản ( trừ trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được chuyển giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá để bán đấu giá đã được quy định “cứng” bởi Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính).

Như vậy, các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hiện nay sẽ phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng lực về cơ sở vật chất, cán bộ và các điều kiện khác về chuyên môn, nghiệp vụ, uy tín... để đáp ứng yêu cầu của việc bán đấu giá nhiều loại tài sản, nhất là các tài sản Nhà nước và tài sản là quyền sử dụng đất, bảo đảm tính cạnh tranh với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới dưới tác động của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và những đổi mới về thể chế liên quan đến bán đấu giá tài sản nói riêng.

Nghị định cũng giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án về lộ trình phù hợp để chuyển đổi các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp đối với những địa bàn mà hoạt động bán đấu giá tài sản phát triển mạnh, tùy thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thứ ba, Nghị định mới tạo điều kiện cho việc chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản. Nghị định xác định rõ các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp chỉ gồm 2 loại là doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; quy định điều kiện chặt chẽ đối với việc thành lập các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp như bắt buộc phải người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là đấu giá viên và bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động bán đấu giá. Theo xu hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản thì Hội đồng bán đấu giá tài sản đã bị hạn chế thành lập[1]. Theo đó, không còn các Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất ở cấp tỉnh, cấp huyện và Tổ chức phát triển quỹ đất không trực tiếp thực hiện việc bán đấu giá như hiện nay, thu hút việc bán đấu giá quyền sử dụng đất do các tổ chức này đang thực hiện về các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp.

Để nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động bán đấu giá tài sản, các quy định việc tiêu chuẩn đấu giá viên đã được nâng cao, tiệm cận dần với các điều kiện như của một chức danh tư pháp. Người muốn trở thành đấu giá viên, ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức, sức khỏe, còn phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật hoặc ngành kinh tế, đặc biệt phải tốt nghiệp chương trình đào tạo nghề đấu giá.

 Trình tự, thủ tục cấp thẻ đấu giá viên, quản lý đấu giá viên khi hành nghề... cũng được quy định chặt chẽ hơn so với hiện nay. Đây là những yêu cầu hết sức cần thiết để chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản trong điều kiện coi đấu giá là một nghề trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thứ tư, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước mà Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản. Vai trò của các bộ, ngành có liên quan cũng được làm rõ. Đặc biệt, Nghị định xác định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý hoạt động bán đấu giá tài sản ở địa phương và vai trò của Sở Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong hoạt động này, trách nhiệm của các Sở ngành có liên quan. Quy định này của Nghị định nhằm khắc phục một số điểm còn chưa rõ ràng trong quy định và nhận thức về quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản hiện nay.

Nhìn chung, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản để thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP hiện hành là bước đi quan trọng trong lộ trình xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, là tiền đề cho việc xây dựng Luật Bán đấu giá tài sản sau này. Để Nghị định sớm đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng trên thực tế, các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhất là các địa phương cần sớm có Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Nghị định với các bước đi, biện pháp, giải pháp cụ thể.

Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2010.

Đỗ Hoàng Yến


[1] Nghị định này không điều chỉnh hoạt động của các Hội đồng được thành lập để bán đấu giá các loại tài sản nhà nước có giá trị dưới 50 triệu đồng  (thực hiện theo quy định của Luật Quản lý tài sản nhà nước) mà chỉ chủ yếu điều chỉnh các tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp và một số Hội đồng bán đấu giá tài sản được quy định “cứng” bởi Luật, Pháp lệnh có liên quan.