Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: Bước đột phá nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

05/03/2010
Ngày 01/3/2010, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 hướng dẫn về việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT) và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT (sau đây gọi là Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-BTP-BTNMT).

Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT đã góp phần tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký với một số nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, quy định về hồ sơ đăng ký thay đổi và thủ tục đăng ký đối với trường hợp có sự thay đổi tên của bên nhận thế chấp hoặc thay đổi bên nhận thế chấp trong nhiều hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã được đăng ký nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc đăng ký thay đổi đối với trường hợp thay đổi bên và thay đổi tên của bên nhận thế chấp do thực hiện cổ phần hoá (ví dụ: Ngân hàng Ngoại thương) hoặc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (HSBC tại Việt Nam), khoản 4 Điều 1 Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT đã quy định đối với trường hợp thay đổi nêu trên, khi thực hiện đăng ký thay đổi, người yêu cầu đăng ký thay vì phải lập nhiều bồ hồ sơ thì có thể nộp một bộ hồ sơ yêu cầu đăng ký thay đổi tên hoặc thay đổi bên nhận thế chấp đối với tất cả các hợp đồng thế chấp đã đăng ký. Hồ sơ đăng ký được quy định đơn giản theo hướng: ngoài các loại giấy tờ bắt buộc phải có (Giấy chứng nhận, Hợp đồng về việc thay đổi…), các bên lập một Đơn yêu cầu đăng ký thay đổi kèm theo Danh mục các hợp đồng thế chấp đã đăng ký.

Thứ hai, bổ sung quy định về việc ký đơn yêu cầu đăng ký nhằm tạo thuận lợi cho người yêu cầu đăng ký

Nếu như Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-BTP-BTNMT quy định Đơn yêu cầu đăng ký phải có đầy đủ chữ ký, con dấu của tổ chức, cá nhân là các bên ký kết hợp đồng thế chấp, nếu có hoặc người được một trong các bên hoặc các bên ký kết hợp đồng đó uỷ quyền…” thì tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT đã bổ sung quy định Đơn yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu của bên nhận thế chấp hoặc người được bên nhận thế chấp ủy quyền yêu cầu đăng ký trong trường hợp yêu cầu đăng ký thay đổi nội dung đã đăng ký về bên nhận thế chấp, sửa chữa sai sót thông tin về bên nhận thế chấp, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp, xóa đăng ký thế chấp”.

Quy định nêu trên nhằm khắc phục tình trạng thực tế là trong một số trường hợp cụ thể, nội dung thay đổi chỉ liên quan tới bên nhận thế chấp (ví dụ như: thay đổi nội dung đã đăng ký về bên nhận thế chấp, sửa chữa sai sót thông tin về bên nhận thế chấp, xoá đăng ký…). Do vậy, nếu yêu cầu đơn đăng ký thay đổi phải có đầy đủ chữ ký của bên thế chấp và bên nhận thế chấp thì sẽ rất khó thực hiện và trong một số trường hợp còn ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh của khách hàng.

Thứ ba, quy định mới về sự “liên thông” giữa công chứng với đăng ký hợp đồng thế chấp

Theo đó, tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT quy định Trong trường hợp thay thế, bổ sung tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng khác, mà hợp đồng về việc thay đổi nội dung thế chấp đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật thì không phải nộp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Trong trường hợp thay thế, bổ sung tài sản gắn liền với đất là công trình xây dựng (trừ nhà ở), mà hợp đồng về việc thay đổi nội dung thế chấp không được công chứng, chứng thực thì nộp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, nếu có”;

 Quy định nêu trên vừa bảo đảm tính an toàn pháp lý của giao dịch, vừa giúp nâng cao trách nhiệm của công chứng viên và tạo điều kiện để hạn chế những giầy tờ, tài liệu không cần thiết trong hồ sơ đăng ký thế chấp của người dân, doanh nghiệp.

Với một số nội dung cơ bản nêu trên, Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT đã góp phần giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong việc đăng ký giao dịch bảo đảm của các người dân, doanh nghiệp, từ đó thúc đấy các giao dịch được ký kết và thực hiện an toàn, công khai, minh bạch.

Phan Thị Vân - Cục Đăng ký quốc giao dịch bảo đảm