Quy định mới về Thẻ, trang phục của Thừa phát lại (Phần IX)

02/12/2009
Người được bổ nhiệm TPL sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Thẻ TPL để hoạt động, đồng thời trang phục của TPL cũng sẽ được quy định riêng vừa để phân biệt với Thẻ, trang phục của CHV, Thẩm tra viên, vừa phù hợp với tính chất, đặc thù của công việc THADS. Cụ thể, Thẻ, trang phục của TPL đã được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP như sau:

Hiện nay, trong lĩnh vực THADS những đối tượng gồm CHV, Thẩm tra viên, TPL được cấp Thẻ để sử dụng phục vụ cho công tác THA. Trước đây, theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 50/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ về cơ quan quản lý THADS, cơ quan THADS và cán bộ, công chức làm công tác THADS thì chỉ có CHV mới được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Thẻ CHV để sử dụng trong khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP đã mở rộng hơn đối tượng được cấp Thẻ bao gồm cả CHV và Thẩm tra viên, cụ thể Điều 32 Nghị định này quy định CHV, Thẩm tra viên THA được cấp Thẻ để sử dụng trong khi thi hành nhiệm vụ; khi thay đổi chức vụ hoặc chức danh được đổi Thẻ khác phù hợp với chức vụ, chức danh mới; khi thôi giữ chức vụ phải trả lại Thẻ; nếu CHV, Thẩm tra viên THA làm mất Thẻ phải báo cáo ngay cho cơ quan công an gần nhất và cơ quan THA nơi người đó công tác biết. Thẻ CHV, Thẩm tra viên THA do Bộ Tư pháp cấp. Mẫu Thẻ, việc cấp phát, thay đổi và thu hồi Thẻ CHV, Thẩm tra viên THA do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Đối với Thẻ của TPL, Mục V Thông tư số 03/2009/TT-BTP đã quy định về nguyên tắc sử dụng, cấp phát, thu hồi, mẫu Thẻ và trang phục của TPL, cụ thể như sau:

Một là, nguyên tắc sử dụng Thẻ TPL

TPL sử dụng Thẻ trong khi thực hiện công việc. Nghiêm cấm việc sử dụng Thẻ để thực hiện các mục đích trái quy định.

Cá nhân, tổ chức phát hiện TPL có hành vi sử dụng Thẻ TPL sai mục đích thì báo ngay cho Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý.

Hai là, việc cấp Thẻ TPL

Sau khi được cấp giấy đăng ký hoạt động, Trưởng văn phòng TPL có văn bản và hồ sơ kèm theo gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cấp Thẻ cho mình và các TPL làm việc tại văn phòng (nếu có). Hồ sơ đề nghị cấp Thẻ gồm có: Đơn đề nghị cấp Thẻ, lý lịch cá nhân, bản chụp quyết định bổ nhiệm TPL, Giấy đăng ký hoạt động của văn phòng TPL và 05 ảnh màu cỡ 3x4. Trong thời hạn 05 ngày, Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Thẻ cho những người có đủ điều kiện.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định việc cấp Thẻ TPL.

Trường hợp vì lý do khách quan mà Thẻ TPL bị hư hỏng hoặc bị mất thì văn phòng TPL đề nghị Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp đổi hoặc cấp lại.

Ba là, việc thu hồi Thẻ TPL

Người bị miễn nhiệm TPL[1] thì bị thu hồi Thẻ TPL. Cụ thể, khoản 4 Điều 13 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP quy định trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị miễn nhiệm TPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm TPL và quyết định thu hồi Thẻ TPL.

Bốn là, mẫu Thẻ TPL

Thẻ TPL bìa ngoài mầu đỏ đun, chiều rộng 9,5 cm, chiều dài 14,0 cm (gập thành hai), gồm một mặt bìa trước, một mặt bìa sau và hai trang bên trong:

- Mặt bìa trước (trang 1) phía trên cùng có dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM", phía dưới có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới Quốc huy ghi chữ "THẺ  THỪA PHÁT LẠI", góc dưới bên trái có hai gạch chéo mầu nhũ vàng (một gạch nhỏ và một gạch to) kéo dài đến hết góc phía trên của mặt bìa sau;

- Trang 2, 3 của Thẻ có hình hoa văn và Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam in mờ làm nền;

- Trang 2 ở chính giữa trên cùng có dòng chữ "BỘ TƯ PHÁP", phía dưới là biểu tượng ngành tư pháp, tiếp theo là ảnh của TPL  cỡ 3 x 4 có giáp lai bằng dấu nổi ở góc dưới phía bên phải, dưới ảnh là số hiệu của Thẻ TPL;

- Trang 3 có ghi:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

THẺ THỪA PHÁT LẠI

Họ, tên

Ngày, tháng, năm sinh

Văn phòng TPL

Ngày, tháng, năm cấp Thẻ

(Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký tên và đóng dấu).

- Mặt bìa sau (trang 4) trích nội dung khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ: "Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của TPL theo quy định của pháp luật”./.

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

(Đã ký)

Năm là, trang phục của TPL do Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh quy định. (Hết).


 

[1] Khoản 1, 2 Điều 13 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP. Miễn nhiệm Thừa phát lại

Thừa phát lại có thể bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau:

1. Miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân Thừa phát lại.

2. Bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này.

b) Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Không hành nghề Thừa phát lại kể từ ngày được bổ nhiệm từ 6 tháng trở lên, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

d) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hoạt động hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm hoặc bị xử lý vi phạm bằng hình thức cảnh cáo trở lên đến lần thứ hai mà còn tiếp tục vi phạm;

e) Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Nguyễn Quang Minh