Theo đó, các thành phố trực thuộc Trung ương phải tổ chức lập quy hoạch chiếu sáng đô thị phù hợp với yêu cầu, mục tiêu quy hoạch và phát triển đô thị; bảo đảm đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật; đồng thời bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Việc tổ chức chiếu sáng đô thị phải bảo đảm các chức năng chiếu sáng cho các hoạt động của đô thị về ban đêm, góp phần tôn tạo diện mạo, mỹ quan đô thị. Việc xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông phải được xây dựng đồng bộ với các công trình chiếu sáng đô thị.
Khi sửa chữa, thay thế, lắp đặt mới nguồn sáng và các thiết bị chiếu sáng tại các công trình xây dựng và công trình chiếu sáng đô thị có sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải sử dụng nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng hoặc dán nhãn tiết kiệm năng lượng của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được thực hiện theo một trong các hình thức đấu thầu, đặt hàng hoặc giao kế hoạch.
Chính phủ sẽ thực hiện một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ để phát triển chiếu sáng đô thị như ưu tiên sử dụng các nguồn tài chính ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất cho việc đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao - tiết kiệm điện; ưu đãi về thuế đối với các nguyên vật liệu nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được để sản xuất các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao - tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và có cơ chế huy động vốn đóng góp từ cộng đồng dân cư vào việc xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp chiếu sáng ngõ, hẻm trong đô thị; hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến về chiếu sáng đô thị, đào tạo nâng cao năng lực về quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/11/2009./.
Minh Đức