Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam

25/09/2009
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.

Theo Nghị định, để được nhập quốc tịch Việt Nam, người xin nhập quốc tịch cần có đủ 3 điều kiện: (1) biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam (khả năng này được đánh giá trên cơ sở giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống) phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó; (2) phải là người đang thường trú tại Việt Nam và được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp thẻ thường trú; (3) khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc người mà việc nhập quốc tịch của họ có lợi cho Nhà nước Việt Nam (là người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, thể thao...) được miễn một số điều kiện khi nhập quốc tịch Việt Nam. Trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam áp dụng với người đang nợ thuế Nhà nước hoặc đang có nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân ở Việt Nam mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó có văn bản yêu cầu chưa cho người đó thôi quốc tịch Việt Nam thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không giải quyết việc cho thôi quốc tịch Việt Nam.

Nghị định cũng quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 01/7/2014.

Về trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quốc tịch, Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về quốc tịch trên phạm vi cả nước; Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về quốc tịch đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài; Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp trong quá trình giải quyết các vấn đề về quốc tịch; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về quốc tịch trong phạm vi địa phương; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quản lý nhà nước về quốc tịch Việt Nam trong phạm vi đại bàn phụ trách.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2009 và thay thế Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và Nghị định số 55/2000/NĐ-CP ngày 11/10/2000 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 104/1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998./.

Minh Đức