Cuối tuần qua, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch về việc công bố Luật cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài (có hiệu lực thi hành từ ngày 2/9/2009), Luật Quy hoạch đô thị (có hiệu lực từ ngày 1/1/2010), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (có hiệu lực từ ngày 1/8/2009), Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai (có hiệu lực từ ngày 1/9/2009).
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Đại Quang cho biết, Điều 126 Luật Nhà ở năm 2005 quy định có 5 đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở mới chỉ có hơn 140 trường hợp (chủ yếu là những người thuộc diện về đầu tư lâu dài) trong tổng số khoảng 3 triệu Việt kiều được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại nước ta. Ông Quang lý giải, bên cạnh hạn chế đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, quy định về điều kiện để được sở hữu nhà ở trong Luật Nhà ở lại chưa rõ ràng, cụ thể, đã gây khó khăn cho các cơ quan hữu quan khi xác định thế nào là “về đầu tư lâu dài, về hoạt động thường xuyên và có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam”. Thậm chí tính đến nay, chưa có trường hợp nào được sở hữu nhà ở theo diện đã cư trú từ 6 tháng trở lên. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở nhằm khuyến khích Việt kiều tham gia cống hiến, xây dựng đất nước cũng như thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng. Theo đó, đã rút ngắn thời hạn cư trú tại Việt Nam xuống còn 3 tháng, đồng thời mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chia thành 2 nhóm khác nhau là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam. Riêng người gốc Việt Nam, Luật bổ sung thêm 2 đối tượng: người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà nước ta có nhu cầu, đang làm việc tại Việt Nam và người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước. Ngoài ra, để phù hợp với Luật Nhà ở, Điều 121 Luật Đất đai năm 2003 cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng thêm 3 quyền cho Việt kiều gồm quyền được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, quyền cho thuê và quyền được ủy quyền quản lý nhà ở.
Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt nhấn mạnh, Điều 4 và Điều 5 của Luật đã sửa đổi Điều 48 Luật Đất đai, quy định về việc thống nhất cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thống nhất đầu mối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện. Với các nội dung sửa đổi nêu trên, Luật đã xác lập tính pháp lý cho người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, giảm tình trạng khiếu kiện kéo dài như hiện nay – ông Đạt nói.
Hoàng Thư