Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008: Không từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch

01/07/2009
Hôm nay (01/7/2009), cùng với Luật Thi hành án dân sự, Đa dạng sinh học, Bảo hiểm y tế, Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án, Luật Quốc tịch Việt Nam (Luật QTVN) năm 2008 có hiệu lực thi hành. Luật QTVN năm 2008 là đạo luật quan trọng với những thay đổi có nhiều ý nghĩa nhằm tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam. PLVN đã có buổi trao đổi với Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên để hiểu rõ hơn những điểm mới mang tính đặc thù của Luật QTVN năm 2008.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về nguyên tắc một quốc tịch trong Luật QTVN năm 2008?

Điều 3 Luật QTVN năm 1998 quy định: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam", với hai ý nghĩa cơ bản, đảm bảo công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Trong trường hợp công dân Việt Nam có hai hoặc nhiều quốc tịch (do sinh ở nước ngoài, do nhập quốc tịch nước ngoài mà chưa thôi quốc tịch Việt Nam....) thì Nhà nước Việt Nam cũng chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam của người đó, tức là không công nhận quốc tịch nước ngoài của họ. Quy định này có phần cứng quá, thêm vào đó lại thiếu những quy định đồng bộ nên gây nhiều khó khăn cho chúng ta trong việc giải quyết vấn đề quốc tịch trong thực tế, đồng thời cũng chưa đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng vẫn mong muốn giữ quốc tịch Việt Nam. Ngoài ra, trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá hiện nay, quy định này chưa thật phù hợp với thực tiễn giao lưu quốc tế. Nhiều nước trước đây thực hiện chính sách một quốc tịch cứng, mới đây đã sửa đổi theo hướng mềm dẻo hơn như Nga, Đức, Mêxicô...

  Vì vậy, Luật QTVN năm 2008 đã có sửa đổi và quy định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Việc sửa đổi quy định này nhằm mục đích vừa đảm bảo tính xuyên suốt, truyền thống của nguyên tắc một quốc tịch, đồng thời được áp dụng một cách mềm dẻo hơn, để giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn như đã nêu trên.

  Quy định mới này còn nhằm bảo đảm sự thích ứng của chính sách về quốc tịch với các chính sách của nhà nước ta về hội nhập kinh tế quốc tế, đại đoàn kết dân tộc và chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

  PV: Quy định cho phép một số trường hợp ngoại lệ có thể có 2 quốc tịch (tại khoản 2 Điều 13, khoản 3 Điều 19, khoản 5 Điều 23, Điều 37) có mâu thuẫn gì với nguyên tắc một quốc tịch hay không?   

  Việc khẳng định một số ngoại lệ có thể có 2 quốc tịch không có nghĩa là từ bỏ hay mâu thuẫn với nguyên tắc một quốc tịch mà chỉ là sửa đổi nguyên tắc này cho mềm dẻo hơn so với Luật năm 1998 để chấp nhận một người có thể có 2 quốc tịch trong một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt.

  PV: Mục đích của quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam được đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là gì?

  Thực tế những năm qua cho thấy, do không xác định được chính xác những ai trong số hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang còn giữ quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam, nên công tác quản lý quốc tịch, quản lý công dân, cấp Hộ chiếu, cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân của Nhà nước ta ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương tăng cường bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài theo luật pháp, công ước và thông lệ quốc tế. Mặt khác hiện nay, Nhà nước ta đang và sẽ tiếp tục có những chính sách cụ thể cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước được hưởng một số quyền như công dân Việt Nam ở trong nước, như miễn thị thực nhập, xuất cảnh, mua nhà ở... Do đó, phải có giải pháp cụ thể về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, để trong một thời gian nhất định xác định rõ những người còn có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam. Có giải pháp này thì việc bổ sung vào Điều 13 Luật QTVN năm 2008, mới thực sự có ý nghĩa trên thực tế; chính sách một quốc tịch mới khả thi; và việc quản lý, bảo hộ công dân ở nước ngoài mới hiệu quả.

  Quy định này cũng mang tính chất chuyển tiếp, được thực hiện trong vòng 5 năm, để giải quyết tình trạng không rõ ràng về quốc tịch Việt Nam của những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách ngày càng rộng mở của Đảng và Nhà nước ta đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài khi về nước.

  Các điều kiện cụ thể, cũng như thủ tục, trình tự đăng ký đã được quy định khá cụ thể trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật QTVN năm 2008 (Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Tư pháp trình Chính phủ).

  PV: Làm thế nào để xác định người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trong trường hợp họ đã mất hết giấy tờ tuỳ thân do Nhà nước Việt Nam cấp?

  Tại khoản 2 Điều 13 Luật QTVN năm 2008 và Điều 18 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật QTVN đã có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Theo đó, người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam làm Tờ khai (theo mẫu) và bản sao giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam nộp cho Cơ quan đại diện Việt Nam. Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam không có nghĩa là Cơ quan đại diện Việt Nam phải công nhận ngay tại thời điểm đăng ký là người đăng ký có quốc tịch Việt Nam. Khi tiếp nhận Tờ khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam, Cơ quan đăng ký ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và cấp cho người đăng ký giấy xác nhận về việc người đó đã đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam. Nếu người đăng ký giữ quốc tịch có đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, thì cơ quan đăng ký ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam là người đó có quốc tịch Việt Nam; nếu người đăng ký giữ quốc tịch không có đầy đủ giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ chứng minh không rõ thì Cơ quan đăng ký phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xác minh người đó có quốc tịch Việt Nam hay không. Kết quả xác minh cũng được ghi vào Sổ đăng ký giữ quốc tịch.

  PV: Luật QTVN và các văn bản hướng dẫn có quy định nào để đảm bảo không dẫn đến những hậu quả pháp lý phức tạp khi cho nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch cư trú ổn định tại Việt Nam theo Điều 22?

  Điều đặc biệt quan trọng ở quy định này là chỉ những người tính đến ngày 01 tháng 7 năm 2009 họ đã cư trú ở Việt Nam được 20 năm thì mới thuộc đối tượng được xem xét cho nhập quốc tịch theo quy định này, vì vậy, số người này là những người đã nhiều năm cư trú, làm ăn sinh sống ổn định trên lãnh thổ nước ta, đến nay họ đã thực sự hoà nhập vào cộng đồng người Việt về mọi mặt đời sống. Vì vậy, việc xin nhập quốc tịch của những đối tượng này là hoàn toàn phù hợp với chính sách của nhà nước ta. Ngoài ra, theo quy định của dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật QTVN, thì khi giải quyết những hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của những đối tượng này sẽ đảm bảo nhanh gọn, thuận lợi, nhưng hồ sơ của họ vẫn phải qua trình tự, thủ tục xem xét, thẩm định rất chặt chẽ của các cơ quan khác nhau, sau đó mới được chuyển lên Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

  PV: Đối với những người không quốc tịch, cư trú, ổn định tại Việt Nam một thời gian dài sau ngày Luật có hiệu lực, có tiếp tục được giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam theo thủ tục trên không?

  Vì đây là quy định mang tính chuyển tiếp, được thực hiện trong vòng 3 năm, để giải quyết những trường hợp tồn đọng lâu nay, nhằm bảo đảm quyền có quốc tịch của mỗi cá nhân, hạn chế tình trạng không quốc tịch được quy định trong Luật QTVN. Do vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật QTVN, thì thời hạn nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam cho những người không quốc tịch theo quy định tại Điều 22 Luật QTVN là đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2012. Hết thời hạn này, những người thuộc trường hợp được giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 22 và mà chưa nộp hồ sơ, nếu có nguyện vọng nhập quốc tịch Việt Nam, thì việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ được giải quyết theo quy định tại các điều 19, 20 và 21 Luật QTVN (thủ tục nhập quốc tịch thông thường cho người nước ngoài và người không quốc tịch).

  Còn đối với những người không quốc tịch, cư trú ổn định tại Việt Nam một thời gian dài sau ngày Luật này có hiệu lực nếu có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam sẽ được xem xét cho nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại các điều 19, 20 và 21 Luật QTVN.

Hương Giang