Nhằm sử dụng, khai thác hiệu quả tài nguyên viễn thông, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông Việt Nam và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động viễn thông, ngày 24/6/2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành
Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT quy định về quản lý thuê bao di động trả trước.
Thông tư này điều chỉnh các hoạt động đăng ký, lưu giữ và sử dụng các thông tin về nhân thân và số máy của cá nhân hoặc người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ thông tin di động mặt đất trả trước, dịch vụ điện thoại trung kế vô tuyến trả trước (được gọi tắt là dịch vụ di động trả trước)
Theo quy định tại Thông tư, các đối tượng phải thực hiện đăng ký thông tin thuê bao gồm có: Chủ thuê bao bắt đầu sử dụng dịch vụ di động trả trước, chủ thuê bao di động trả trước đang được mở hai chiều, chủ thuê bao di động trả trước đã bị khóa một chiều, chủ thuê bao di động trả trước đã bị khóa hai chiều nhưng đang còn trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị khóa được giữ số thuê bao theo quy định và đăng ký sử dụng lại, chủ thuê bao di động trả trước thay đổi thông tin thuê bao đã đăng ký. Các chủ thuê bao này phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm giao dịch được ủy quyền để cung cấp số thuê bao, chứng minh thư hoặc hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng và giấy giới thiệu (đối với chủ thuê bao là cơ quan, tổ chức) cho chủ điểm giao dịch. Đối với người dưới 14 tuổi (không có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu) phải có bố mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật đứng bảo lãnh đăng ký.
Để bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và công bằng tài nguyên viễn thông, mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 03 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động (trừ trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức). Kể từ ngày 01/01/2010, các thuê bao di động trả trước nói trên không đăng ký thông tin thuê bao theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động; các thuê bao này muốn sử dụng lại dịch vụ phải làm thủ tục như đối với thuê bao mới.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp thông tin di động, chủ điểm giao dịch được uỷ quyền và chủ thuê bao di động trả trước trong việc thực hiện đăng ký và quản lý thuê bao di động trả trước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/8/2009 và thay thế cho Quyết định số 03/2007/QĐ-BTTTT ngày 04/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy định quản lý thuê bao di động trả trước.
Đức Trung