Công bố Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Mua bán nam giới cũng phạm tội

03/07/2009
Công bố Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Mua bán nam giới cũng phạm tội
“Từ 01/01/2010 (ngày Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự (BLHS) có hiệu lực), các hành vi mua bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử lý hình sự”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết trong cuộc họp báo công bố Lệnh của chủ tịch nước công bố 3 Luật mới (Luật Lý lịch tư pháp, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS và Nghị quyết thi hành) do Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức chiều qua 02/7.

Tại Việt Nam, hơn chục năm trở lại đây, tình hình mua bán phụ nữ trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, đặc biệt vừa qua đã xuất hiện một số vụ mua bán nam giới. Tuy nhiên BLHS 1999 chỉ quy định tội mua bán phụ nữ, các hành vi mua bán nam giới từ đủ 16 tuổi trở lên chưa có cơ sở pháp lý để trừng trị. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết thêm. “Luật mới đã sửa đổi tội mua bán phụ nữ thành tội mua bán người với đối tượng bị mua bán là con người nói chung”.

Ngoài ra, BLHS sửa đổi còn bổ sung thêm một số tội mới liên quan đến môi trường và hoạt động khủng bố.

Có ý kiến băn khoăn khi Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực, việc tin học hóa sẽ được thực hiện thế nào để phục vụ cho việc khai thác dữ liệu, đáp ứng nhu cầu của người dân trong cấp phiếu Lý lịch Tư pháp, Thứ trưởng Chính giải đáp: trước mắt việc tin học hóa sẽ được thực hiện hoàn toàn tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, còn ở các Sở Tư pháp thì tùy theo điều kiện sẽ thực hiện theo lộ trình đến năm 2015 hoặc 2020 với sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ.

Riêng đối với Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, lần đầu tiên từng loại thiệt hại đã được cụ thể hóa. Đặc biệt mức thiệt hại thực tế do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút, Luật xác định căn cứ cụ thể để xác định thiệt hại. Với trường hợp không thể xác định được căn cứ để tính thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì sẽ lấy mức lương tối thiểu chung làm căn cứ tính thiệt hại.

     Đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần, vấn đề lâu nay cơ quan tố tụng đang rất vướng trên thực tế, Luật đã phân biệt rõ các trường hợp: bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, chữa bệnh; trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù; trường hợp bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà không bị tạm giữ, tạm giam và trường hợp người bị thiệt hại chết để quy định căn cứ tính cụ thể.

 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước sẽ có hiệu lực từ 1/1/2010.

Thu Hằng