Quy định mới của Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án

05/06/2009
Để khắc phục những hạn chế trong các quy định của pháp luật về thủ tục bắt giữ tàu biển nói chung, bắt giữ tàu biển để bảo đảm thi hành án dân sự nói riêng, ngày 27/8/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 (cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật thi hành án dân sự năm 2008).

Phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh này là quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp và thẩm quyền, trình tự, thủ tục thả tàu biển đang bị bắt giữ. Pháp lệnh có rất nhiều điểm mới về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển, trong đó có những quy định mới quan trọng về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án.

Ngoài những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để bảo đảm giải quyết các khiếu nại hàng hải (hướng dẫn khoản 2 Điều 40 Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005); áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và thực hiện tương trợ tư pháp thì Pháp lệnh còn dành hắn một chương (Chương IV) với 13 điều (từ Điều 43 đến Điều 55) quy định riêng về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án. Nội dung của những quy định mới về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án này bao gồm:

Một là, về quyền yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án. Người có quyền yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án là người được thi hành án. Người được thi hành án theo quy định tại khoản 2 điều 3 Luật thi hành án dân sự 2008 là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành. Tuy nhiên, người được thi hành án không phải trực tiếp bắt giữ tàu biển và cũng không được trực tiếp yêu cầu toà án bắt giữ tàu biển. Theo quy định tại điều 43 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì người được thi hành án có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền bắt giữ tàu biển thông qua cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Toà án có thẩm quyền bắt giữ tàu biển để thi hành án là toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng biển, cảng thuỷ nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động chính. Trường hợp cảng có nhiều bến cảng thuộc địa phận các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau thì toà án nhân dân cấp tỉnh nơi có bến cảng mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền bắt giữ tàu biển đó.

Hai là, điều kiện bắt giữ tàu biển để thi hành án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì khi có yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án, Toà án có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển trong các trường hợp sau đây:

"a) Chủ tàu là người phải thi hành án về tài sản và vẫn là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển;

b) Người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn, người thuê tàu chuyến hoặc người khai thác tàu là người phải thi hành án về tài sản trong vụ án dân sự phát sinh từ khiếu nại hàng hải quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này và vẫn là người thuê tàu trần, người thuê tàu định hạn, người thuê tàu chuyến, người khai thác tàu hoặc là chủ tàu tại thời điểm bắt giữ tàu biển;

c) Nghĩa vụ thi hành án về tài sản được bảo đảm bằng việc thế chấp tàu biển đó;

d) Nghĩa vụ thi hành án là việc phải trả lại tàu biển đó cho người được thi hành án".

Ngoài ra, toà án cũng chỉ bắt giữ tàu biển để thi hành án khi cơ quan thi hành án dân sự không thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc các biện pháp cưỡng chế khác để thi hành án trừ các trường hợp nghĩa vụ thi hành án về tài sản được bảo đảm bằng vật thế chấp tàu biển đó; yêu cầu thi hành án là việc phải trả lại tàu biển đó cho người được thi hành án hoặc người phải thi hành án ở nước ngoài và không có tài sản khác ở Việt Nam.

Ba là, về thủ tục nộp, nhận và xem xét đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án. Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì người cần bắt giữ tàu biển để thi hành án phải làm đơn yêu cầu kèm theo bản sao bản án, quyết định của toà án hoặc bản sao quyết định của trọng tài. Đơn yêu cầu bao gồm những nội dung chính sau: ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu; tên cơ quan thi hành án dân sự nhận đơn yêu cầu; tên, địa chỉ và quốc tịch của người yêu cầu bắt giữ tàu biển; tên, quốc tịch, số IMO, trọng tải và các đặc điểm khác của tàu biển bị yêu cầu bắt giữ, bến cảng nơi tàu biển đang hoạt động hàng hải; tên, địa chỉ và quốc tịch của thuyền trưởng; tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ tàu; tên, địa chỉ và quốc tịch của người thuê tàu trần, người khai thác tàu trong trường hợp đòi người thuê tàu, người khai thác tàu trả tiền; nghĩa vụ về tài sản phải thi hành án theo bản án, quyết định của Toà án hoặc theo quyết định Trọng tài; lý do yêu cầu bắt giữ tàu biển; dự kiến tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do yêu cầu bắt giữ tàu biển không đúng.

Nếu trường hợp người yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án không biết chính xác, đầy đủ các nội dung về tên, địa chỉ và quốc tịch của người thuyền trưởng; tên, địa chỉ và quốc tịch của của chủ tàu; tên, địa chỉ và quốc tịch của người thuê tàu trần, người khai thác tàu trong trường hợp đòi người thuê tàu, người khai thác tàu trả tiền thì ghi những gì mà mình biết có liên quan đến những vấn đề đó. Sau khi ghi đầy đủ nội dung trong đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án, người yêu cầu bắt giữ tàu biển gửi đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án để chuyển cho Toà án có thẩm quyền theo quy định. Hai ngày sau khi nhận được đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, cơ quan thi hành án dân sự phải vào sổ nhận đơn và có văn bản chuyển đơn, các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Toà án có thẩm quyền bắt giữ tàu biển. Trong văn bản chuyển đơn cần nêu rõ lý do của việc không thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản hoặc các biện pháp cưỡng chế khác để thi hành án. Ngay sau khi nhận được văn bản chuyển đơn của cơ quan thi hành án dân sự kèm theo đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển và các tài liệu, chứng cứ, Toà án có thẩm quyền bắt giữ tàu biển phải ghi vào sổ nhận đơn. Chánh án Toà án phân công ngay một thẩm phán giải quyết đơn.

Theo quy định tại Điều 48 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì thủ tục xem xét đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án được thực hiện như sau: Trong thời hạn bốn mươi tám giờ kể từ thời điểm nhận được các tài liệu yêu cầu bắt giữ tàu biển theo quy định, Thẩm phán phải xem xét đơn và ra một trong các quyết định sau đây:

a) Thụ lý đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án nếu xét thấy có đủ điều kiện để ra quyết định bắt giữ tàu biển, yêu cầu người nộp đơn thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển và lệ phí bắt giữ tàu biển, trừ trường hợp không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính;

b) Trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án nếu xét thấy không đủ điều kiện để ra quyết định bắt giữ tàu biển hoặc việc giải quyết đơn không thuộc thẩm quyền của Toà án đó.

Trường hợp quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án, Toà án phải gửi quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; cấp hoặc gửi ngay quyết định đó cùng đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người yêu cầu. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án và cơ quan có thẩm quyền có quyền khiếu nại, kiến nghị quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án.

Thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án được thực hiện như sau: Trong thời hạn hai mươi bốn giờ kể từ thời điểm nhận được quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án, người yêu cầu có quyền khiếu nại và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền có quyền kiến nghị bằng văn bản với Chánh án Toà án đối với quyết định đó.

Trong thời hạn hai mươi bốn giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Chánh án Toà án phải ra một trong các quyết định sau đây và Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án là quyết định cuối cùng:

- Giữ nguyên quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án;

- Huỷ quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án và nhận lại đơn yêu cầu cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành thụ lý việc bắt giữ tàu biển.

Bốn là, về quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án. Theo quy định tại Điều 50 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì Thẩm phán được phân công giải quyết đơn ra ngay quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án khi người yêu cầu xuất trình các biên lai, chứng từ chứng minh họ đã thực hiện biện pháp bảo đảm tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu biển và đã nộp lệ phí bắt giữ tàu biển theo quy định, trừ trường hợp không phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Người yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án phải nộp lệ phí bắt giữ tàu biển cho Toà án có thẩm quyền bắt giữ tàu biển trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm Toà án có yêu cầu nộp lệ phí.

Quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án có các nội dung chính sau: ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Toà án ra quyết định; tên, địa chỉ và quốc tịch của người yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án; lý do yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án; tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án; tên, quốc tịch, số IMO, trọng tải và các đặc điểm khác của tàu biển bị yêu cầu bắt giữ, bến cảng nơi tàu biển đang hoạt động hàng hải; tên, địa chỉ và quốc tịch của thuyền trưởng; tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ tàu; tên, địa chỉ và quốc tịch của người thuê tàu trần, người khai thác tàu; nhận định của Toà án và những căn cứ pháp luật để chấp nhận đơn yêu cầu; các quyết định của Toà án.

Quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án có hiệu lực thi hành ngay kể cả trong trường hợp có khiếu nại, kiến nghị. Toà án phải giao hai bản quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án cho Giám đốc Cảng vụ để thi hành theo quy định; gửi ngay quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; cấp hoặc gửi ngay quyết định đó cho người yêu cầu bắt giữ tàu biển để thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; gửi ngay quyết định đó cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam trong trường hợp tàu biển bị bắt giữ có yếu tố nước ngoài.

Quy định bắt giữ tàu biển của Toà án có thể bị khiếu nại, kiến nghị. Cụ thể theo quy định tại Điều 51 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu và thuyền trưởng có quyền khiếu nại bằng văn bản với chánh án Toà án về quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án. Thời hạn khiếu nại là bốn mươi tám giờ kể từ thời điểm thuyền trưởng nhận được quyết định của Toà án.

Viện Kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị bằng văn bản với chánh án Toà án về quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án. Thời hạn kiến nghị là bốn mươi tám giờ kể từ thời điểm Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định của Toà án.

Trong thời hạn bốn mươi tám giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án, chánh án Toà án phải xem xét, giải quyết và ra một trong các quyết định: giữ nguyên quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án; huỷ quyết định bắt giữ tàu biển để thi hành án. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của chánh án là quyết định cuối cùng. So với các loại khiếu nại, kiến nghị khác trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì thời hạn, thủ tục khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị liên quan đến bắt giữ tàu biển để thi hành án được quy định gắn gọn và đơn giản hơn. Quy định như vậy nhằm bảo đảm giải quyết nhanh chóng các thủ tục liên quan đến bắt giữ tàu biển, hạn chế tối đa các khoản chi phí, thiệt hại phát sinh để duy trì hoạt động bình thường của tàu biển, qua đó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên có liên quan.

Năm là, về thủ tục thả tàu đang bị bắt giữ để thi hành án. Theo quy định tại Điều 52 Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển thì tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án chỉ được thả ngay khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Sau khi chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu là người phải thi hành án đã thực hiện những biện pháp bảo đảm thay thế hoặc đã thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án. Biện pháp bảo đảm thay thế do các bên thoả thuận. Trong trường hợp không có sự thoả thuận giữa các bên về mức độ và hình thức bảo đảm thay thế thì Toà án quyết định mức độ và hình thức bảo đảm thay thế, nhưng không được vượt quá giá trị tàu biển bị bắt giữ hoặc nghĩa vụ tài sản là căn cứ cho việc bắt giữ tàu biển trong trường hợp nghĩa vụ tài sản nhỏ hơn giá trị của tàu biển.

b) Nghĩa vụ về tài sản của chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu đã có người khác bảo lãnh thực hiện thay, thư cam kết của tổ chức bảo hiểm có uy tín;

c) Theo yêu cầu của chính người đã yêu cầu bắt giữ tàu biển.

Khi có một trong các căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án nêu trên thì chủ tàu, người thuê tàu hoặc người khai thác tàu, thuyền trưởng và những người khác có liên quan phải có văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án. Văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án và các tài liệu, chứng cứ kèm theo phải được gửi cho Toà án đã ra quyết định bắt giữ tàu biển đó.

Văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ có các nội dung chính sau: ngày, tháng, năm làm văn bản yêu cầu; tên Toà án nhận văn bản yêu cầu; tên, địa chỉ của người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ; tên, quốc tịch, số IMO, trọng tải và các đặc điểm khác của tàu biển đang bị bắt giữ; bến cảng nơi tàu biển bị bắt giữ đang hoạt động hàng hải; số, ngày, tháng, năm của quyết định bắt giữ tàu biển và Toà án đã ra quyết định đó; lý do yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ.

Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án, Chánh án Toà án phân công một Thẩm phán giải quyết việc thả tàu biển đang bị bắt giữ. Trong thời hạn hai mươi bốn giờ kể từ thời điểm nhận được văn bản yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ nếu xét thấy có căn cứ. Trường hợp không chấp nhận vì không có căn cứ thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ biết, trong đó nêu rõ lý do của việc không chấp nhận yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ.

Quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án có các nội dung chính sau đây: ngày, tháng, năm ra quyết định; tên Toà án ra quyết định; căn cứ pháp luật để Toà án ra quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ; tên, quốc tịch, số IMO, trọng tải và các đặc điểm khác của tàu biển đang bị bắt giữ được thả; bến cảng nơi tàu biển bị bắt giữ được thả; tên, địa chỉ và quốc tịch của chủ tàu; tên, địa chỉ và quốc tịch của người thuê tàu hoặc người khai thác tàu; tên, địa chỉ và quốc tịch của thuyền trưởng; lý do thả tàu biển đang bị bắt giữ; các quyết định của Toà án.

Quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án có hiệu lực thi hành ngay. Toà án phải giao hai bản quyết định thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án cho Giám đốc Cảng vụ để thi hành theo quy định; gửi ngay quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; cấp hoặc gửi ngay quyết định đó cho người yêu cầu thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; gửi ngay quyết định đó cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam trong trường hợp tàu biển bị bắt giữ được thả có yếu tố nước ngoài.

Cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (ngày 01/7/2009), hy vọng rằng những quy định mới về thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án được quy định tại Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển năm 2008 sẽ sớm phát huy giá trị điều chỉnh của nó trong thực tiễn, khắc phục những hạn chế, vướng mắc về quy trình, thủ tục bắt giữ tàu biển nói chung, bắt giữ tàu biển để thi hành án nói riêng, góp phần chung vào việc nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới./.

 Th.S Nguyễn Văn Nghĩa - Cục Thi hành án dân sự -  Bộ Tư pháp.