Theo quy định tại Nghị định, vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ là những hành vi cố ý hoặc vô ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân (gọi chung là tổ chức, cá nhân) vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong hoạt động chuyển giao công nghệ mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Những hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định khác của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan.
Đối với mỗi vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính như: Cảnh cáo; Phạt tiền; Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ làm tổn hại đến lợi ích quốc phòng, an ninh quốc gia. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng Giấy phép chuyển giao công nghệ; Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ.
Ngoài hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung nêu trên, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong hoạt động chuyển giao công nghệ còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do hành vi vi phạm gây ra; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ liên quan đến hành vi vi phạm; Buộc tiêu hủy sản phẩm được sản xuất ra từ công nghệ được chuyển giao gây hại đối với sức khoẻ con người, môi trường, gây hậu quả xấu đến văn hóa; Các biện pháp khắc phục hậu quả khác.
Đối với từng hành vi vi phạm hành chính, Nghị định quy định cụ thể mức phạt tiền và hình thức xử phạt. Mức phạt tiền thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất lên đến 70.000.000 đồng. Ngoài ra, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành về khoa học công nghệ, Chủ tịch UBND cấp huyện, tỉnh; Công an nhân dân, Hải quan, cơ quan Thuế và Thanh tra chuyên ngành khác cũng được quy định cụ thể tai Nghị định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/7/2009 và thay thế Nghị định số 16/2000/NĐ-CP ngày 10/5/2000 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ.
Đức Trung