Ngày 31/12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 133/2008/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ về hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ giám định công nghệ và các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Theo đó các công nghệ được khuyến khích chuyển giao gồm:
Công nghệ nano; sản xuất mạch tích hợp, các bộ nhớ dung lượng cao; sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD), plasma; chế tạo các thiết bị đo chính xác kỹ thuật số, đầu cảm biến, thiết bị đo điện tử; chế tạo robot; chế tạo vật liệu xây dựng có tính năng đặc biệt; sản xuất vắc xin bảo vệ sức khỏe người, động vật; sản xuất nhiên liệu mới; luyện, cán, kéo kim loại đặc biệt; công nghệ giống, nuôi cá ngừ đại dương, tôm hùm, bào ngư, sò huyết, trai lấy ngọc, san hô; sản xuất các bộ phận nhân tạo của con người; sản xuất thuốc điều trị ung thư, tim mạch, tiểu đường, HIV/AIDS, thuốc cai nghiện ma túy, thuốc phục vụ sinh đẻ có kế hoạch…
Nghị định cũng cấm chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam các công nghệ gồm: Công nghệ in, sắp chữ bằng bản chì; điện phân dùng điện cực thủy ngân; sản xuất sơn sử dụng thủy ngân; sản xuất xi măng lò đứng; sản xuất xi măng lò quay bằng phương pháp ướt; nhân bản vô tính phôi người; điều chế chất ma túy; các công nghệ làm vô hiệu hóa các thiết bị đo, đếm, tính lượng, tính thời gian, ghi âm, ghi hình, thiết bị kiểm tra…
Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, nhưng các bên tham gia giao kết hợp đồng có quyền đăng ký nếu có nhu cầu. Đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ là cơ sở để được hưởng các ưu đãi theo quy định.
Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp đối với công nghệ thuộc dự án đầu tư do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư và các trường hợp còn lại do Sở Khoa học và Công nghệ cấp. Đối với công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì việc đăng ký được thực hiện thành 2 bước: chấp thuận chuyển giao công nghệ và cấp phép chuyển giao công nghệ (do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp).
Nghị định cũng quy định về việc chuyển giao công nghệ trong dự án hoặc hợp đồng nhượng quyền thương mại, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị kèm theo chuyển giao công nghệ. Theo đó, khi lập dự án hoặc hợp đồng phải tách nội dung và chi phí chuyển giao công nghệ thành một phần riêng trong dự án, hợp đồng.
Nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, Nghị định quy định các trường hợp miễn, giảm thuế liên quan đến hoạt động này. Tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh bằng công nghệ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập được tạo ra từ công nghệ; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ... Ngoài ra, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ được miễn thuế thu nhập trong 4 năm, được giảm 50% thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo và được miễn thuế sử dụng đất...
PA