Xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, chuyên môn cao

07/01/2009
Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trong phạm vi toàn quốc để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư; thực hiện chức năng tự quản của luật sư nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn cao, góp phần bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Luật sư về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, việc thành lập, giải thể, quản lý nhà nước đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư. Nghị định này áp dụng đối với Đoàn luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên đoàn luật sư Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thành lập Đoàn luật sư tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đoàn luật sư là thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có Điều lệ để điều chỉnh các quan hệ nội bộ của Đoàn. Đoàn luật sư được thành lập khi có tôn chỉ, mục đích hoạt động không trái Hiến pháp, pháp luật; có từ 3 người sáng lập có Chứng chỉ hành nghề luật sư trở lên tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có phương án về cơ cấu tổ chức, Điều lệ.

Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu luật sư của Đoàn luật sư là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đoàn. Nhiệm kỳ Đại hội không quá 5 năm.

Liên đoàn luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp thống nhất toàn quốc của các Đoàn luật sư và luật sư

Liên đoàn luật sư Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có Điều lệ để điều chỉnh thống nhất về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn, của Đoàn luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyền, nghĩa vụ của các thành viên Liên đoàn; quan hệ của Liên đoàn với các thành viên, với các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Liên đoàn luật sư Việt Nam do Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn. Nhiệm kỳ Đại hội do Điều lệ quy định nhưng không quá 5 năm. Đại hội Liên đoàn được coi là hợp lệ nếu có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham gia. Việc biểu quyết thông qua các quyết định, nghị quyết Đại hội phải được quá 1/2 số đại biểu chính thức có mặt tán thành.

Đại hội nhiệm kỳ của Liên đoàn có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá về tổ chức, hoạt động của Liên đoàn nhiệm kỳ qua; thông qua phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của Liên đoàn trong nhiệm kỳ mới; bầu các chức danh lãnh đạo của Liên đoàn nhiệm kỳ mới và xem xét việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ (nếu có).

Bộ Tư pháp là cơ quan phê chuẩn kết quả Đại hội, phê duyệt Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam. UBND cấp tỉnh thực hiện phê chuẩn kết quả Đại hội, phê duyệt Điều lệ của Đoàn luật sư.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ