Thuế Thu nhập chứng khoán được thu như thế nào?

12/09/2008
Từ ngày 01/01/2009, Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có hiệu lực. Các nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán sẽ đóng thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán.

Tuy nhiên, một số NĐT chứng khoán tại các công ty chứng khoán đến giờ vẫn chưa hiểu sẽ phải thực hiện đóng thuế TNCN như thế nào. Rất nhiều vấn đề các NĐT đặt ra như NĐT phải lưu giữ các chứng từ gì khi giao dịch chứng khoán để chứng minh giá mua, giá bán, chi phí...? Dưới đây là một số thông tin giải đáp cho NĐT về những vấn đề liên quan đến việc áp dụng Luật Thuế TNCN trong thời gian tới.

1. Về cách thức nộp thuế:

Theo ý kiến của đại diện Cục Thuế TP.HCM thì : về cách thức nộp thuế TNCN, khi Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ ngày 01/01/2009, các NĐT chứng khoán trên sàn khi có giao dịch thì ngay trên phiếu đặt lệnh mua/bán chứng khoán sẽ phải có thêm mã số thuế TNCN. Mỗi cá nhân chỉ có 1 mã số thuế TNCN.

Trường hợp người làm công ăn lương đầu tư chứng khoán thì mã số thuế TNCN tại công ty chi trả thu nhập cũng là mã số thuế TNCN trong đầu tư chứng khoán. Còn những NĐT chuyên về đầu tư chứng khoán có thể liên hệ trực tiếp chi cục thuế địa phương để xin cấp mã số thuế. Tiền lương, tiền công tại công ty được xét đến mức giảm trừ gia cảnh (4 triệu đồng/người/tháng đối với người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/người/tháng đối với người phụ thuộc), còn NĐT chứng khoán thì không được xét giảm trừ gia cảnh.
 
Riêng việc quyết toán thuế đối với những cá nhân có từ 2 nơi thu nhập trở lên thì hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì NĐT tập hợp lại tất cả các khoản thu nhập rồi quyết toán cuối năm. Vì vậy, NĐT cần tập trung các loại chứng từ khi cơ quan chi trả, công ty chứng khoán khấu trừ thuế.

Đối với trường hợp NĐT không chứng minh được giá mua bán, chi phí liên quan đến chứng khoán thì áp dụng mức thuế suất 0,1% trên tổng số tiền bán chứng khoán. Trường hợp NĐT chứng minh được giá mua bán, chi phí chứng khoán thì áp dụng mức thuế suất 20%. Thu nhập chịu thuế sẽ được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập.

Như vậy NĐT được tính thuế từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Trường hợp cá nhân áp dụng tính thuế theo năm thì phải đăng ký từ đầu năm với cơ quan thuế.  Đối với những cá nhân không cư trú (không đáp ứng điều kiện có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong 1 năm dương lịch hoặc theo 12 tháng liên tục) sẽ áp dụng thuế suất 0,1% trên tổng số tiền chuyển nhượng.

2. Về công tác quản lý thu:

 Các loại chứng khoán niêm yết giao dịch trên sàn dễ xác định giá mua bán riêng với các loại chứng khoán chưa niêm yết trên thị trường OTC thì quả thật rất khó xác định giá mua bán. Về trường hợp NĐT mua một loại CP nhưng với nhiều giá khác nhau thì sẽ xác định giá theo phương pháp bình quân gia quyền. NĐT cần yêu cầu công ty chứng khoán cung cấp bảng sao kê các giao dịch.

Đối với trường hợp các giao dịch chứng khoán diễn ra cuối năm 2008 nhưng thời điểm nhận tiền thanh toán rơi vào những ngày đầu năm 2009 (thời điểm luật thuế TNCN bắt đầu có hiệu lực) thì thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm giao dịch vốn chuyển nhượng hoàn thành.

LH