Ban hành quy hoạch vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đá quý

06/08/2008
Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ban hành Quyết định số 25/2008/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani giai đoạn đến 2015, có xét đến năm 2025.

Theo Quyết định, việc phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng đá quý, đất hiếm và urani phải dựa trên quan điểm quy hoạch: Phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, bảo đảm hài hoà lợi ích quốc gia và địa phương, phù hợp với yêu cầu củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ các công trình văn hoá có giá trị và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn có khoáng sản; bảo đảm an toàn, có hiệu quả kinh tế trên cơ sở khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên của đất nước; Nhà nước độc quyền trong khai thác, chế biến và sử dụng quặng urani cũng như các chế phẩm phóng xạ...

Mục tiêu: Tập trung thăm dò các mỏ, điểm mỏ quặng đá quý, đất hiếm và urani đã được điều tra, đánh giá để đáp ứng đủ trữ lượng tin cậy cho nhu cầu khai thác và chế biến trong giai đoạn quy hoạch; khai thác triệt để và tiết kiệm tài nguyên kết hợp chế biến sâu với công nghệ tiên tiến các loại khoáng sản đá quý, đất hiếm và urani. Đảm bảo hiệu quả kinh tế trong khai thác, chế biến và bảo vệ môi trường sinh thái tại các địa bàn hoạt động khoáng sản.

Phấn đấu đến năm 2015 khai thác quy mô công nghiệp 6 mỏ tại Nghệ An và Yên Bái. Tổng công suất khai thác 200-300 ngàn m3 đất quặng/năm... Giai đoạn sau 2015, kêu gọi đầu tư thăm dò khai thác thêm 3 mỏ ở Yên Bái và 4 mỏ tại Nghệ An; tiếp tục đầu tư phát triển gia công, chế tác đá quý đáp ứng nhu cầu trong nước và gia công cho các đối tác nước ngoài. Đến năm 2025 sẽ nâng sản lượng lên gấp đôi, phấn đấu sản xuất được một số sản phẩm ứng dụng của đất hiếm; từng bước thực hiện một số khâu của chu trình nhiên liệu hạt nhân, tiến tới sản xuất nhiên liệu hạt nhân từ nguồn tài nguyên urani khai thác trong nước. Giai đoạn đầu sản xuất urani kỹ thuật từ quặng cát kết khu vực Nông Sơn, tiếp đó thực hiện từng bước các giai đoạn chế tạo viên gốm và thanh nhiên liệu urani thiên nhiên và urani giàu phục vụ cho các nhà máy điện hạt nhân trong nước.

Giải pháp, chính sách để đạt được mục tiêu: Khuyến khích chế biến sâu quặng đá quý, đất hiếm và urani chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tăng cường phân cấp quản lý tài nguyên, hoàn thiện quy chế và tăng cường đấu thầu hoạt động khoáng sản, đặc biệt là khai thác chế biến quặng đá quý; thành lập các Công ty cổ phần với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác đến chế biến. Khuyến khích đa dạng loại hình sở hữu, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng đá quý, đất hiếm theo định hướng ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực trong nước; liên doanh liên kết với  nước ngoài trong lĩnh vực chế biến đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao như chế biến đất hiếm. Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản đá quý, đất hiếm và urani như đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng; thu hút, đào tạo và sử dụng lao động địa phương; có biện pháp chủ động bảo vệ môi trường sinh thái và tích cực tham gia cải thiện môi trường xã hội.

Cũng theo Quyết định này, ước tính vốn đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác và chế biến quặng đá quý, đất hiếm và urani trong giai đoạn quy hoạch khoảng 3.330-4.060 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2008-2015 khoảng 1.460-1.660 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2025 khoảng 1.870-2.400 tỷ đồng.

Nguyễn Đình Thơ