Quy chế này quy định về kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường, bao gồm: Kiểm tra của Cục Quản lý thị trường đối với cơ quan, công chức Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; kiểm tra của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với cơ quan, công chức Quản lý thị trường thuộc địa phương.
Mục đích kiểm tra
Nhằm đảm bảo việc thi hành nghiêm chỉnh các các quy định của pháp luật về kiểm tra kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính; đồng thời phát hiện biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các sai sót, yếu kém và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nếu có.
Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức; đề cao trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức Quản lý thị trường khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.
Thông qua việc kiểm tra kiến nghị các biện pháp cần thiết để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường, về kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính; có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức Quản lý thị trường đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Thẩm quyền kiểm tra
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường có thẩm quyền quyết định việc kiểm tra đối với cơ quan, công chức Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền quyết định việc kiểm tra đối với Đội Quản lý thị trường và công chức Quản lý thị trường thuộc quyền quản lý.
Trình tự, thủ tục kiểm tra
Hoạt động kiểm tra chỉ được tiến hành khi có quyết định kiểm tra của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.
Việc ra quyết định kiểm tra phải có một trong các căn cứ sau: Chương trình, kế hoạch kiểm tra đã được thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phê duyệt - đối với kiểm tra định kỳ; có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của cơ quan thông tin đại chúng và do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền giao - đối với kiểm tra đột xuất.
Nội dung quyết định kiểm tra phải ghi rõ căn cứ kiểm tra, đối tượng, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ kiểm tra, thời gian tiến hành kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra.
Quyết định kiểm tra phải gửi cho đơn vị, cá nhân được kiểm tra và các cơ quan có liên quan khác để biết phối hợp chậm nhất là ba ngày kể từ ngày ký. Trường hợp kiểm tra đột xuất thì không nhất thiết phải gửi trước quyết định kiểm tra.
Trường hợp tiến hành kiểm tra bằng biện pháp nghiệp vụ trinh sát, tiếp cận theo dõi, thu thập tài liệu, chứng cứ, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì quyết định kiểm tra không phải gửi hoặc công bố với thủ trưởng đơn vị, cá nhân được kiểm tra.
Khi kết thúc kiểm tra tại đơn vị được kiểm tra, Đoàn Kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra. Biên bản kiểm tra phải có các nội dung: thời gian, địa điểm lập biên bản kiểm tra; căn cứ tiến hành kiểm tra; thời gian đã tiến hành kiểm tra; tên các thành viên Đoàn kiểm tra; nội dung kết quả kiểm tra; các biện pháp áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền áp dụng; nhận xét đánh giá của Đoàn kiểm tra; ý kiến của cá nhân hoặc thủ trưởng đơn vị được kiểm tra; ý kiến khác nhau nếu có; chữ ký của Trưởng đoàn kiểm tra và của cá nhân hoặc thủ trưởng đơn vị được kiểm tra.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định có hai hình thức kiểm tra; kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất. Kiểm tra định kỳ được thực hiện theo chương trình, kế hoạch của Thủ trưởng cơ quan phê duyệt và được thực hiện không quá 1 lần/năm. Kiểm tra đột xuất thực hiện khi phát hiện đơn vị, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật; theo nội dung của đơn thư khiếu nại, tố cáo; theo phản ánh kiến nghị của cơ quan thông tin đại chúng và do thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên có thẩm quyền giao.
Nguyễn Đình Thơ