Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ của DATC

30/07/2021
Vừa qua, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 62/2021/TT-BTC về việc ban hành Quy chế tài chính của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam.
Quy chế này quy định cơ chế quản lý tài chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam.
Đối tượng áp dụng quy chế là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam (sau đây gọi là DATC hoặc Công ty) và tổ chức, cá nhân liên quan đến cơ chế quản lý tài chính của DATC.
Thông tư nêu rõ 08 nguyên tắc chung khi thực hiện quy chế, bao gồm:
1. Công ty được xác lập quyền sở hữu, quyền quản lý và sử dụng đối với nợ và tài sản đã mua, tiếp nhận; thực hiện quản lý, sử dụng và hạch toán theo dõi các khoản nợ và tài sản theo quy định tại Quy chế này và các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan.
2. Mỗi khoản nợ mua của Công ty (theo thỏa thuận hoặc chỉ định) được xác định là một loại hàng hóa, Công ty có trách nhiệm tổ chức hạch toán, theo dõi từng khoản nợ mua.
3. Đối với các khoản nợ và tài sản tiếp nhận từ các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc tiếp nhận theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, sau khi tiếp nhận, Công ty quản lý, theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính và xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế này.
4. Việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu được thực hiện theo phương án đã thỏa thuận (bằng văn bản) với cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, phù hợp quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp khác, việc chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận với chủ sở hữu doanh nghiệp.
5. Việc sử dụng các khoản nợ và tài sản để góp vốn theo nguyên tắc có hiệu quả trên cơ sở phương án mua, xử lý nợ và tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Các tài sản (không bao gồm nợ) trước khi góp vốn phải được xác định lại giá trị bởi các tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
6. Khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, Công ty triển khai thực hiện trên cơ sở phương án phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định tại Điều lệ của Công ty.
7. DATC không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn góp chi phối của DATC thông qua tái cơ cấu nợ theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp.
DATC thực hiện thoái vốn trong thời hạn 05 năm kể từ ngày DATC chính thức trở thành cổ đông tại các doanh nghiệp có vốn góp chi phối thông qua tái cơ cấu. Trường hợp quá thời hạn 05 năm mà DATC chưa thực hiện thoái vốn, DATC báo cáo nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến bằng văn bản.
8. DATC thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư cũng nêu rõ một số quy định cụ thể về quản lý, sử dụng vốn; quản lý tài sản; quản lý nợ; quản lý doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh; giám sát và đánh giá kết quả hoạt động; kế hoạch tài chính; công tác kế toán, thống kê và kiểm toán.
Trong đó, đáng lưu ý là quy định về quản lý nợ, trách nhiệm của Công ty như sau:
Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ theo quy định hiện hành (bao gồm nợ phải thu trong đó gồm cả các khoản nợ mua, nợ tiếp nhận; nợ phải trả); phân công và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ theo quy định tại Quy chế này và các quy định có liên quan.
Mở sổ theo dõi, hạch toán, thanh toán các khoản nợ theo từng đối tượng nợ; nợ phải thu, nợ phải trả (gồm cả các khoản lãi phải thu, phải trả) thường xuyên phân loại các khoản nợ theo tuổi nợ (nợ chưa đến hạn thanh toán, nợ đến hạn thanh toán, nợ đã quá hạn thanh toán, nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi); theo tính chất khoản nợ (nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, nợ vay ưu đãi, vay thương mại, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ, bao gồm cả các khoản nợ phải thu, phải trả phát sinh theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Thường xuyên xem xét, đánh giá, phân tích khả năng thanh toán, đôn đốc thu hồi nợ, không để phát sinh các khoản nợ phải trả quá hạn, nợ phải thu không có khả năng thu hồi; định kỳ đối chiếu công nợ; thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.
Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả có gốc ngoại tệ, DATC phải mở sổ theo dõi nguyên tệ (bao gồm cả gốc và lãi), quy đổi ra đồng Việt Nam (VNĐ), đánh giá lại và xử lý chênh lệch tỷ giá theo quy định.
Đối với các phương án mua nợ phải lập hồ sơ riêng để theo dõi, quản lý ngoài Báo cáo tình hình tài chính giá trị khoản nợ (bao gồm cả gốc và lãi) làm cơ sở để theo dõi, đối chiếu khoản nợ theo sổ sách với Bên nợ và đánh giá hiệu quả của phương án; Đối với các khoản nợ tiếp nhận, DATC có trách nhiệm theo dõi ngoài Báo cáo tình hình tài chính, quản lý phù hợp với tính chất và thời gian các khoản nợ tiếp nhận để theo dõi xử lý.
Đối với nợ mua, tiếp nhận theo chỉ định, nợ phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định, DATC có trách nhiệm xây dựng phương án đảm bảo phù hợp với ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; theo dõi, hạch toán riêng làm cơ sở để đánh giá, xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phát sinh nợ quá hạn thanh toán, nợ không có khả năng thu hồi DATC có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định…