Chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết

27/07/2021
Đây là một trong 05 yêu cầu quan trọng của xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 quy định tại Thông tư số 61/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022-2024.
Theo đó, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2021dựa trên các căn cứ sau đây:
Thứ nhất, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, văn bản điều hành của cấp có thẩm quyền về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021:
Các Nghị quyết của Quốc hội số 124/2020/QH14 ngày 11 tháng 11 năm 2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, số 128/2020/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2020 về dự toán NSNN năm 2021, số 129/2020/QH14 ngày 14 tháng 11 năm 2020 về phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về giao dự toán NSNN, kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN; các quyết định bổ sung ngân sách trong quá trình điều hành NSNN năm 2021.
Các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 (Nghị quyết số 01/NQ-CP), số 02/NQ- CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 (Nghị quyết số 02/NQ-CP), số 58/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, số 30/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ hàng tháng.
Các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân, Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2021.
Thông tư số 109/2020/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2021.
Thứ hai, các văn bản khác:
Các văn bản của cấp có thẩm quyền về chế độ thu thuế, phí, lệ phí; chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, các giải pháp về thu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và chi ngân sách phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19; các quy định về cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2021.
Các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng có liên quan đến hoạt động thu, chi NSNN.
Trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Thông tư nhấn mạnh: Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm đầu của thời kỳ ổn định NSNN mới, nên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu chiến lược tài chính đến năm 2025. Việc xây dựng dự toán NSNN năm 2022 phải đảm bảo các yêu cầu sau:
Dự toán NSNN năm 2022 được xây dựng theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn; có đầy đủ thuyết minh cơ sở pháp lý, căn cứ tính toán; phù hợp với Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhiệm kỳ 2020-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và định hướng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; phù hợp với các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách và quản lý nợ công theo Nghị quyết số 07-NQ/TW; các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, 7 (Khóa XII); các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương theo quy định, các văn bản pháp luật và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền có liên quan.
Trên cơ sở đánh giá thực hiện năm 2021; các nội dung trình phê duyệt về mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, đầu tư công 05 năm giai đoạn 2021-2025 của quốc gia và địa phương; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; định hướng mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương giai đoạn 2021-2025; các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2022, chủ động sắp xếp các khoản chi và thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2022 trên cơ sở khả năng nguồn lực (bao gồm cả nguồn hợp pháp khác theo quy định); triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu lập dự toán.
Các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát tổng thể các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) để bãi bỏ, hoặc lồng ghép theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, lồng ghép các chính sách chồng chéo, trùng lắp, kém hiệu quả; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện và huy động các nguồn lực tương ứng các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành. Bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi NSNN đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật NSNN.
Tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết ngay từ khâu xây dựng dự toán những tồn tại, sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với vấn đề lập kế hoạch – tài chính NSNN 03 năm 2022-2024, Thông tư cũng chỉ rõ căn cứ, yêu cầu lập kế hoạch thực hiện quy định tại Luật NSNN, Nghị định số 45/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm và Thông tư số 69/2017/TT-BTC ngày 7 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm (Thông tư số 69/2017/TT-BTC), các Luật về thuế, quản lý thuế, Luật phí, lệ phí, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý tài sản công, các văn bản pháp luật có liên quan; mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; các Nghị quyết Trung ương Khóa XII về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập và các Nghị quyết về cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội…; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên năm 2022; nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025; căn cứ kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023 đã được rà soát, cập nhật vào thời điểm 31 tháng 3 năm 2021…
Trường hợp nhu cầu chi của các bộ, cơ quan trung ương và đơn vị cấp tỉnh trong các năm 2022-2024 tăng hoặc giảm lớn so với dự toán (bao gồm cả dự toán bổ sung trong năm) và ước thực hiện chi năm 2021, lớn hơn khả năng nguồn lực tài chính - NSNN mà cơ quan tài chính, đầu tư đã cập nhật, thông báo cho 03 năm 2022-2024; các bộ, cơ quan trung ương, đơn vị cấp tỉnh có thuyết minh, giải trình, có các giải pháp huy động thêm các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo các nhu cầu chi phải cân đối được nguồn lực thực hiện.
Dự toán chi năm 2022-2024 xây dựng với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng. Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền về phương án thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ thông báo, hướng dẫn sau.
Việc lập, báo cáo, tổng hợp và trình kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2022-2024 được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự toán NSNN năm 2022.